Theo Hiệu trưởng ĐH dân lập Thăng Long Phan Huy Phú, điểm trúng tuyển khối A là 16 và khối D là 15 (nhưng ngành nhân hệ số ngoại ngữ điểm tuyển là 20). Do chưa tuyển đủ, ĐH này dành 900 chỉ tiêu cho nguyện vọng. Điểm sàn xét tuyển là 18 (khối A) và 17 (khối D). Riêng ngành công tác xã hội sẽ tuyển thêm cả khối B, C với mức điểm sàn là 18 (khối B) và 17 (khối C).
Phân viện Báo chí tuyên truyền cũng vừa thông báo điểm xét tuyển ngành Báo in ( khối C: 21, khối D: 20), Báo ảnh (C: 19,5 và D:18,5 ), Phát thanh (C: 20 và D: 19), Truyền hình (C: 21 và D: 20,5), Báo điện tử (D: 19,5), Xã hội học (D: 17), Thông tin đối ngoại (D: 19,5), Xuất bản (C: 19).
ĐH Ngoại thương (cơ sở phía Bắc) lấy điểm trúng tuyển khối A là 26,5; khối D1 là 24; D2 là 23 và D3 là 25. Theo Trưởng phòng Đào tạo Bùi Ngọc Sơn, thí sinh khối A đạt 25-26 điểm, nếu có nguyện vọng học tại trường thì làm đơn xin học tự túc. Mức học phí cho thí sinh học diện này sẽ cao hơn những thí sinh khác là 2,2 triệu đồng/năm.
Theo ông Dương Đức Hồng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm trúng tuyển là 25,5. Với thí sinh đạt 24,5- 25 điểm, khi gửi giấy báo điểm, trường sẽ có thông báo kèm theo phiếu đăng ký học một trong 7 ngành: Công nghệ sinh học và thực phẩm, Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh, Khoa học và Công nghệ vật liệu, Vật lý kỹ thuật, Sư phạm Kỹ thuật, Kinh tế và quản lý, Công nghệ Dệt may và Thời trang. Nếu có nguyện vọng học, thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển.
Trao đổi với VnExpress, Hiệu phó ĐH Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho biết, điểm xét tuyển các ngành là 24,5 điểm. Riêng hai ngành Kế toán kiểm toán và Tài chính ngân hàng, điểm xét tuyển là 27,5.
ĐH Luật Hà Nội tuyển 100% theo nguyện vọng 1. Phương án điểm trúng tuyển của khối A 19,5; khối C 19; khối D 17.
Các phương án xét tuyển trên dành cho học sinh phổ thông, khu vực 3. Ưu tiên đối tượng kế tiếp được giảm 1 điểm, ưu tiên khu vực kế tiếp được giảm 0,5 điểm.
Việt Anh