Trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Blockchain và Quản trị tài chính tiên tiến (ICBAFM), workshop với chủ đề "Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng" được tổ chức vào chiều 24/6. Sự kiện nhằm kết nối và mở ra cơ hội hợp tác khoa học giữa các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu trên thế giới, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hội nghị quốc tế do Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp tổ chức cùng Đại học Khoa học Ứng dụng Saxion, Đại học Tomas Bata tại Zlín, Đại học Michigan State, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Feng Chia, Đại học Diponegoro, Đại học Islam, trung tâm quản lý tài sản số tổ chức.
Tại sự kiện, các chuyên gia nhận định blockchain không chỉ còn là khái niệm của tương lai, mà đã có những sản phẩm thực tế. Công nghệ này đã và đang tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội như công nghiệp sản xuất, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, thương mại, du lịch, dịch vụ, đặc biệt là tài chính ngân hàng.
Với tính sáng tạo, Blockchain cũng được kỳ vọng có khả năng phá vỡ các mô hình kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tái định hình các thị trường trong tương lai.
Phát biểu khai mạc, TS. Nghiêm Quý Hào - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo kinh tế ứng dụng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho biết lĩnh vực blockchain đã và đang được quan tâm ở nhiều cấp độ, nhiều bộ, ngành, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều hội thảo, diễn đàn về blockchain liên tiếp được tổ chức.
"Các trường đại học, với sứ mệnh cốt lõi là giáo dục, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp và đồng kiến tạo vì sự phát triển bền vững, với tư cách là cái nôi của sáng tạo, nên và cần thiết tham gia vào quá trình này", ông Hào nhấn mạnh.
Theo ông Lê Long Giang, Chủ tịch VFCA - đơn vị bảo trợ chương trình, trong thời đại 4.0, ưu thế luôn dành cho người đi đầu và không ai muốn bỏ qua cơ hội tiên phong này.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS cho hay DTS tập hợp các chuyên gia, công ty đầu ngành về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đồng hành, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp blockchain với hơn 100 dự án. Ông Bảo nhận định trong bối cảnh thị trường blockchain đang nhận được nhiều quan tâm, DTS đóng vai trò cung cấp công nghệ, chuyển đổi số, triển khai các chương trình như blockchain talk, đồng hành cùng các quỹ đầu tư, trường đại học, tham gia tham luận về các chương trình tài chính.
Ông Trương Gia Bảo cũng nhấn mạnh, người tham gia cần có kiến thức vững để tránh được rủi ro khi tiếp cận với thị trường này.
"Việc gia tăng kiến thức nền tảng về tài chính là rất cần thiết. Các doanh nghiệp cần kết hợp, hợp tác với tổ chức có kinh nghiệm, uy tín để tránh rủi ro", ông Bảo nhấn mạnh.
Chương trình là nơi gặp gỡ của các học giả và nhà ứng dụng trên toàn thế giới, chia sẻ những nghiên cứu và dự đoán mới nhất về thị trường trong bối cảnh cách mạng số và fintech phát triển.
Nằm trong khuôn khổ sự kiện, workshop "Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng" là nơi để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về: tình hình chính sách, khung pháp lý, thực trạng và xu hướng các hoạt động liên quan đến blockchain; các cơ hội cho blockchain Việt Nam năm 2022 và tương lai, cũng như tiềm năng phát triển cho các Startup công nghệ tại thị trường Việt Nam...
Workshop do Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Tôn Đức Thắng) kết hợp với Trung tâm nghiên cứu và đào tạo kinh tế ứng dụng (CETAR) và Trung tâm quản lý tài sản số (TSS) đồng tổ chức. Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Liên minh chuyển đổi số DTS đồng bảo trợ chương trình.
Phong Vân