Năm nay các trường đại học chủ trì cụm thi quốc gia chỉ có hơn 10 ngày để chấm bài nên áp lực lớn hơn năm trước. ThS. Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho biết, sau 2 ngày thi đầu tiên, trường đã dọc phách bài thi. Hôm 5/7, dù là chủ nhật nhưng trường vẫn họp các tổ chấm, giáo viên chấm thi để tập huấn, phổ biến quy chế.
Sáng 6/7, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM đã tập huấn lại lần nữa và bắt đầu chấm thử. Buổi chiều trường bắt đầu chấm bài thi đến ngày 18/7. Sau đó trường sẽ kiểm dò điểm lại lần cuối và công bố điểm vào ngày 20/7. “Trường phải chấm 56.000 lượt bài thi cho 5 môn tự luận. Con số này lớn hơn nhiều so với các năm trước nhưng áp lực phải chấm nhanh hơn. Trường phải huy động 220 giáo viên chấm thi”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cho biết thêm, sáng 6/7 giáo viên đã chấm thử một túi đề thi môn Toán. Túi này chỉ có một em được 8,25 điểm, còn phần lớn là từ điểm 5 đến 7, không có bài thi nào dưới điểm 4. Sau khi chấm thử một túi bài thi, các giáo viên sẽ họp và đưa ra các thắc mắc về cách chấm thi, thống nhất đáp án và góp ý kiến.
"Đây là điểm mới so với các năm trước. Kỳ thi THPT quốc gia năm nay vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng nên trường chủ trương chấm kỹ lưỡng, đảm bảo không sót ý nhưng cũng phải đúng đáp áp của Bộ”, ông Sơn cho hay.
Việc chấm thi năm nay được trải qua 2 vòng chấm độc lập tại hai phòng riêng biệt trên một túi bài thi. Giáo viên đầu tiên sẽ ghi trên phiếu chấm. Ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, giáo viên chấm thi không được ghi thêm gì vào bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài sẽ được ghi vào phiếu chấm của từng bài.
Chấm lần thứ nhất xong, ban thư ký rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho trưởng môn chấm thi bốc thăm cho giáo viên chấm lần thứ hai. Giáo viên chấm lần thứ nhất không được chấm lại túi bài thi vừa chấm lần một. Giáo viên chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm, sau đó ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định.
Cuối cùng, sẽ có một đội giáo viên khác chấm kiểm tra lại một lần nữa. Ngoài giáo viên chấm thi, Đại học Công nghiệp Thực phẩm còn mời 3 giáo viên ở Tây Ninh xuống làm giám sát quá trình chấm điểm.
“Nói thì đơn giản, chứ mỗi bài thi trải qua gần 10 bước chấm, kiểm dò mới ra được kết quả cuối cùng. Sau khi 2 giáo viên chấm xong, thư ký sẽ dò lệch điểm giữa 2 giám thị. Nếu điểm chênh lệch quá nhiều, bài thi sẽ được chấm công khai. Xong xuôi, thư ký dò lại một lần nữa rồi trưởng bộ môn chấm thi mới ký vào biên bản xuất điểm, bàn giao cho ban thư ký nhập điểm vào phần mềm. Công đoạn này phức tạp hơn nhiều so với các năm trước”, ông Sơn cho biết.
ThS. Trịnh Minh Huyền, Phó hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho biết, năm nay có sự điều động giáo viên chấm thi từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nên trường đỡ vất vả trong khâu tuyển người. Sáng 6/7, trường đã tổ chức tập huấn cho giám thị, thống nhất nhất đáp án. Chiều cùng ngày, trường tổ chức chấm thi.
“Khu vực chấm thi được bảo vệ nghiêm ngặt. Người làm công tác chấm thi phải đeo thẻ, có tên trong danh sách bảo vệ mới cho vào. Điện thoại, balô của giáo viên phải để bên ngoài phòng chấm thi. 3 vòng chấm, mỗi vòng sẽ dùng bút có mực khác nhau. Dự kiến trường sẽ công bố điểm vào ngày 20/7”, bà Huyền nói.
Đại học Tôn Đức Thắng huy động 269 giáo viên tham gia chấm thi tự luận. Với bài thi trắc nghiệm, việc chấm sẽ được thực hiện bằng máy. Đầu tiên, bài thi được mở niêm phong trước sự chứng kiến của cán bộ an ninh, máy sẽ quét để lưu nội dung bài thi. Bản gốc nội dung bài thi được niêm phong sau đó. Giáo viên chấm thi chỉ cần đưa đĩa đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào máy, quét đáp án trên nội dung bài thi đã lưu để chấm điểm.
PGS. TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM cho biết, có 450 giáo viên sẽ tham gia chấm thi 5 môn tự luận, bắt đầu từ ngày mai và kết thúc vào ngày 17/7. “Môn Ngoại ngữ năm nay có thêm phần tự luận nên trường cũng chuẩn bị giáo viên chấm. Tất cả bài thi của thí sinh đều được đưa vào kho và canh gác cẩn mật. Sau khi chấm xong, bài làm của thí sinh sẽ được lưu trữ hết khóa học đối với sinh viên trúng tuyển vào trường, lưu trữ một năm đối với sinh viên bị rớt. Nếu có khiếu nại, trường sẽ lấy bài thi ra kiểm tra”, ông Hồng nói.
Còn TS. Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo đại học và sau đại học, Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, ngày 10/7 sẽ chấm xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Các môn xã hội như Địa, Sử có số thí sinh dự thi ít nên áp lực không cao. Riêng môn Văn, cụm thi Đại học Quốc gia TP HCM có đến khoảng 22.000 bài thi phải chấm trong vòng 2 tuần nên khá áp lực. Trong trường hợp cần thiết sẽ kéo dài thời gian chấm bài trong ngày, có thể tới 7h tối thay vì 5h như trước đây.
Nhận xét về công tác chấm thi năm nay, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, những ngày sắp tới đối với các cụm thi vẫn còn rất nặng nề. Sau khi chấm xong, các cụm thi sẽ chuyển điểm cho các Sở Giáo dục và Đào tạo để xét tốt nghiệp THPT, nhập điểm vào phần mềm rồi in giấy chứng nhận kết quả thi.
“Năm nay quy trình chấm phúc khảo cũng khác so với năm trước. Nếu thí sinh muốn chấm phúc khảo, phải nộp đơn tại nơi đăng ký dự thi. Sau đó nơi đăng ký dự thi sẽ chuyển đơn cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở tập hợp và chuyển về cụm thi. Các cụm thi có nhiệm vụ chấm và công bố kết quả phúc khảo trước ngày 5/8”, ông Nghĩa nói.
Nguyễn Duy