Đến tháng 5, các trung tâm đã tiếp nhận gần 5.900 người (trong đó gần 3.000 người già lang thang ăn xin, bệnh tật; hơn 1.000 trẻ mồ côi và hơn 1.000 người tâm thần). Phần lớn các trung tâm không có kinh phí để tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề cho đối tượng xã hội như trẻ em, người trong độ tuổi lao động. Do đó, bà Võ Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Sở LĐ TB&XH - kiến nghị: “UBND thành phố cần sớm phê duyệt dự án xây mới một số trung tâm: trung tâm điều dưỡng người tâm thần Tân Định, trung tâm xã hội Tân Hiệp… Đặc biệt cần tăng mức trợ cấp cho các nhân viên làm công tác xã hội có nguy cơ lây nhiễm cao (điều trị bệnh nhân HIV, ma túy), trực y tế, hỗ trợ kinh phí xét nghiệm HIV, đầu tư trang thiết bị dạy nghề…".
Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm này đều ở trong tình trạng thiếu nhân viên. Ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thủ Đức trước đây, 1 điều dưỡng chăm sóc 10 bệnh nhân. Nhưng hiện nay, 2 bác sĩ, 7 y sĩ, 13 y tá và 1 dược sĩ của trung tâm phải chăm lo cho gần 1.150 người. Trung tâm giáo dục dạy nghề Thiếu niên thành phố, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, bệnh viện Bình Triệu, trung tâm nuôi dạy bảo trợ người già tàn tật Chánh Phú Hòa đều ở trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban Văn hoá xã hội thành phố - cho rằng: "Biên chế thì có nhưng do các trung tâm này không kiến nghị bổ sung vì nếu bổ sung biên chế đủ thì đời sống không đủ”.
Bà Trần Thị Thanh Diệu, Trưởng ban Văn hoá xã hội TP HCM, hứa sẽ trình UBND hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng thêm một số trung tâm và tăng thêm chế độ trợ cấp "nhưng sẽ chỉ được một phần". Bà Diệu giải thích: "Ngân sách nước ta còn hạn hẹp, trước mắt Uỷ ban sẽ tạo điều kiện để cải thiện mức sống cho các đối tượng là người già, tàn tật, trẻ em mồ côi, người bị tâm thần… Còn đối với những đối tượng trong độ tuổi lao động bình thường chúng ta chưa thể. Họ còn sức lao động, chúng ta chỉ có thể giúp họ cải thiện mức sống".
Nguyễn Rộng