Tiền điện tử phi tập trung và khó truy vết hơn nhiều so với đô la nên dễ bị kẻ trộm rửa tiền hơn. Do đó, các triệu phú Bitcoin, Dogecoin, Ethereum hoặc bất kỳ loại tiền tệ nào khác nếu phô trương sự giàu có sẽ dễ trở thành mục tiêu của bắt cóc, trộm cướp hơn.
Kaitlyn Siragusa, người mẫu trên nền tảng OnlyFans, đã nhận được "quả đắng" này. Cô từng khoe có 20 triệu USD tiền điện tử với những người theo dõi trực tuyến.
Đêm 2/3, Kaitlyn nghe thấy tiếng lạch cạch bên ngoài khi đang nằm trên giường tại nhà riêng ở thành phố Houston, Texas. Chồng cô, Nick Lee, đang ở trong tòa nhà liền kề trên khu đất của họ.
Kaitlyn gọi điện cảnh báo chồng về tiếng động lạ. Nick, đang ngồi trong toilet, cho rằng đó là những con gấu mèo.
Tuy nhiên, cửa trước của nhà chính nhanh chóng bị ba kẻ bịt mặt đạp tung. Người đàn ông thứ tư ngồi trong xe đợi bên ngoài.
Nick giữ kết nối qua loa ngoài khi Kaitlyn khóa cửa phòng ngủ, nhưng sau đó cửa này cũng bị phá. Cô kể đã bị những kẻ đột nhập dùng súng lục quất vào đầu và đòi giao nộp tiền điện tử.
Tài khoản Bitcoin của Kaitlyn có ít nhất bảy con số, nhưng ví cứng được lưu trữ trong hộp ký gửi an toàn của một ngân hàng gần đó. Cô nói với chúng rằng nó ở trong tòa nhà bên cạnh.
Nghe được cuộc trò chuyện, Nick biết Kaitlyn và những kẻ đột nhập đang tiến về phía mình. Anh lấy một khẩu súng ngắn và đứng đợi ở đầu cầu thang. "Tôi bảo Kaitlyn nằm xuống, sau đó nổ súng. Tôi bắn trúng bụng một gã. Cả đám bỏ chạy", Nick kể.
Sau vụ việc, cặp vợ chồng tăng cường biện pháp bảo vệ, thuê đội an ninh 24/24 với hai chó nghiệp vụ. Tuy nhiên, Kaitlyn cho biết vẫn sẽ tiếp tục công khai cuộc sống giàu có của mình để duy trì sự chú ý từ những người theo dõi.
Kaitlyn Siragusa lừa ba kẻ đột nhập đến một căn nhà khác để chồng nổ súng. Video: Nypost
Những cuộc tấn công như vậy xảy ra ở nhiều nơi. Một nạn nhân gần đây bị bắt cóc khỏi hội nghị tiền điện tử ở Las Vegas, ném vào xe đưa đến sa mạc. Nhóm tội phạm dí súng vào đầu và đe dọa: "Đưa hết tiền số đây nếu không chúng tôi sẽ giết anh". Nạn nhân sợ hãi nghe theo và mất hàng triệu USD.
Nhiều vụ bắt cóc khác không được báo cáo, như trường hợp một nhà đầu tư Bitcoin ở Los Angeles bị bắt lên ôtô, đánh bằng súng lục. Anh được yêu cầu cung cấp mật khẩu truy cập ví tiền điện tử nhưng đã nhân cơ hội nhảy ra ngoài khi chiếc xe lao nhanh trên đường cao tốc.
Tại Chicago, một nhà đầu tư bị nhóm tội phạm bắt cóc ba thành viên gia đình và một bảo mẫu từ nhà. Ông được thông báo qua ứng dụng mạng xã hội WeChat rằng phải trả 15 triệu USD tiền điện tử nếu muốn gia đình còn sống trở về. Ông làm theo chỉ dẫn, và các con tin bị bỏ lại trước một tiệm giặt khô.
Sau đó, lực lượng thực thi pháp luật đã tìm ra những kẻ bắt cóc, nhưng số tiền điện tử trị giá 9 triệu USD vẫn chưa thể thu hồi.
Hồi tháng 1, David Balland, người đồng sáng lập công ty Ledger ở Pháp, chuyên sản xuất thiết bị lưu trữ tiền điện tử, bị bắt cóc cùng vợ. Nhóm tội phạm đưa họ đến nhiều địa điểm. Chúng cắt ngón tay Balland và gửi ảnh cho các đồng nghiệp tại Ledger, đòi khoản tiền chuộc lớn.
Trong vòng 48 giờ, sau khi một phần tiền chuộc được thanh toán, cảnh sát Pháp giải cứu thành công các nạn nhân. Bảy nghi phạm bị bắt giữ.

David Balland, giám đốc điều hành tiền điện tử, từng bị bắt cóc và tra tấn. Ảnh: CDC Vierzon Sologne Berry
Khi tội phạm chuyển trọng tâm từ các vụ cướp ngân hàng truyền thống sang trộm cướp tiền điện tử, lực lượng thực thi pháp luật cũng phải chật vật để theo kịp.
Adam Healy, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ và là người sáng lập công ty an ninh Station 70, cảnh báo rằng các nhóm tội phạm có tổ chức và các băng đảng ma túy đang nhắm vào những người nắm giữ tiền điện tử như một nguồn của cải dễ chiếm đoạt. "Khi việc buôn bán ma túy và buôn người ở biên giới bị phá vỡ, họ sẽ tìm kiếm các nguồn thu thay thế", Healy giải thích.
Steve Krystek, CEO của Công ty An ninh PFC Safeguards, nhận xét các vụ bắt cóc nhà đầu tư tiền điện tử đang gia tăng, do nhiều người rất hào nhoáng, không ngại khoe cho tất cả thấy họ có tiền.
Các vụ cướp tiền điện tử không hề ngẫu nhiên và thiếu tổ chức. Các băng đảng bị phát hiện thảo luận về nạn nhân tiềm năng trong các cuộc trò chuyện nhóm trực tuyến, xác định những người khoe giàu trên phương tiện truyền thông xã hội là mục tiêu chính.

Adam Healy tổ chức các buổi đào tạo được thiết kế để dạy người giàu cách tự bảo vệ trong tình huống xấu. Ảnh: Courtesy of Station70
Để chống lại những mối đe dọa này, các nhà đầu tư tiền điện tử giàu có đang chi ít hơn cho hàng xa xỉ và nhiều hơn cho an ninh cá nhân. Brock Pierce, nhà đầu tư tiền điện tử thời kỳ đầu và là người sáng lập đồng tiền phổ biến Tether, tiết lộ rằng không bao giờ đi đâu một mình, luôn có nhân viên bảo vệ tuần tra quanh nhà.
Pierce nhắn nhủ: "Khoe khoang về sự giàu có chẳng giúp ích gì cho bạn. Trong thời đại ngày nay, sự ẩn danh là thứ xa xỉ tột bậc".
Với những người nắm giữ tài sản tiền điện tử đáng kể, các chuyên gia bảo mật khuyên nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Sử dụng ví phần cứng để lưu trữ tài sản ngoại tuyến là điều cần thiết, vì ví phần mềm dễ bị hack hơn. Tránh phô trương sự giàu có nơi công cộng, đặc biệt là trên mạng xã hội, cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị nhắm đến.
Tuệ Anh (Theo Nypost)