Trả lời:
Ho là biểu hiện của cảm lạnh thông thường, song, cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của các bệnh nguy hiểm hơn. Trẻ dưới một tuổi thường không có triệu chứng rõ ràng. Do đó, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi thăm khám để phát hiện bệnh nếu trẻ bú kém hoặc bỏ bú, quấy khóc về đêm, sốt nhẹ, ho ít... Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi hiếm khi ho, nhưng nếu đã ho thì đây là dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng, cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.
Trường hợp bé của bạn hơn một tuổi, ho không còn là tình trạng đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu khiến bé ho là do cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn nên đưa bé tới gặp bác sĩ nếu cơn ho kéo dài hơn một tuần hoặc kèm theo các triệu chứng dưới đây.
- Ho kèm thở khò khè có thể là dấu hiệu của sưng phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản hoặc các bệnh hô hấp khác. Nếu trẻ thở khò khè sớm sau sinh, bú kém, tim có tiếng thổi... nguyên nhân có thể do bệnh tim bẩm sinh. Nếu trẻ thở khò khè đột ngột kèm tím tái, đây là trường hợp cấp cứu do dị vật đường thở, cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
- Ho nhiều, ho dai dẳng, ho nặng và nhiều hơn về ban đêm, kèm theo khó thở có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Đối với trẻ quá nhỏ, bé có thể thở khụt khịt do lỗ mũi nhỏ, khiến mẹ nhầm lẫn với bệnh hen suyễn. Tốt nhất nên đưa bé đến các cơ sở y tế thăm khám để phân biệt chính xác. Mẹ không nên quá lo lắng, phần lớn trẻ bị hen thường tự khỏi bệnh khi lớn lên.
- Ho kèm sốt cao trên 39 độ C, thở nhanh hơn 40 lần mỗi phút đối với trẻ 1-5 tuổi hoặc trên 50 lần mỗi phút đối với trẻ dưới một tuổi, đồng thời có hiện tượng rút lõm lồng ngực... có thể là dấu hiệu của bệnh viêm phổi. Đây là một bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong, cần đưa bé đi khám ngay lập tức.
- Ho kèm nôn mửa nhiều lần gây mất nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bé. Ho đi kèm nôn ói, ợ nóng, đau ngực có thể là triệu chứng của bệnh tiêu hóa trào ngược dạ dày - thực quản. Bé nên đến bệnh viện để thăm khám và nhận được sự chăm sóc của bác sĩ.
- Ho ra máu cần đến bác sĩ kiểm tra ngay xem máu do xây xát niêm mạc đường hô hấp hay các bệnh nặng hơn như giãn phế quản, lao phổi… gây nên.
- Ho nhiều khiến các cơ ngực và bụng căng cứng liên tục và gây đau. Nếu trẻ ho và than phiền đau ngực, bé cũng nên được kiểm tra để tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
Nếu bé chỉ ho mà không kèm các triệu chứng trên, thời gian mỗi đợt ho ít hơn 7 ngày, bạn không nên quá lo lắng. Bạn chỉ cần kiểm soát tốt các triệu chứng của bé bằng các loại thuốc ho có nguồn gốc dược liệu từ húng chanh, núc nác… đồng thời theo dõi diễn tiến bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh
Chuyên gia của Công ty cổ phần Dược Phẩm OPC
Chuyên mục "Cẩm nang phòng và trị ho cho bé" do báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng siro HoAstex của Công ty cổ phần dược phẩm OPC tổ chức. Độc giả gửi câu hỏi tư vấn qua email: suckhoe@vnexpress.net. |