Chính phủ hôm 1/7 tung gói an sinh thứ hai kinh phí hơn 26.000 tỷ đồng với 12 chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch. Nhóm lao động tự do được giao về cho các địa phương tự hỗ trợ. Tỉnh, thành căn cứ điều kiện, ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định người được hưởng và mức hưởng cụ thể. Song số tiền lao động tự do được hưởng không thấp hơn mức "sàn" 1,5 triệu đồng một tháng hoặc 50.000 đồng một ngày.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đây là nhóm bị ảnh hưởng sâu và trực tiếp, nhưng cũng khó triển khai nhất khi di chuyển thường xuyên. Việc hỗ trợ nhóm này sẽ là bài toán khó với nhiều địa phương khi chưa xây dựng được tiêu chí lẫn xác định thông tin để hỗ trợ.
Hiện TP HCM là địa phương duy nhất đang chi trả tiền hỗ trợ cho lao động tự do. Chủ yếu là xe ôm truyền thống, bán vé số dạo, buôn gánh bán bưng, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa...
Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM đến 12/7, hơn 55.000 người trong tổng số 230.000 lao động tự do tại TP HCM đã nhận được 1,5 triệu đồng mỗi người. Một số nơi như quận 5, quận 12 đã chi trả xong. Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình chưa triển khai. TP Thủ Đức với hơn 24.800 người và quận Bình Thạnh gần 21.700 người là hai địa bàn có đông lao động tự do của thành phố.
Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho biết sẽ hoàn thành chi trả cho người lao động tự do trước ngày 15/7 để tập trung hỗ trợ cho các nhóm khác.
Triển khai nhanh, bởi từ cuối tháng 5 Sở đã tính bài toán hỗ trợ lao động tự do khi thành phố bắt đầu giãn cách xã hội. Sang đầu tháng 6, ngành lao động đề nghị chính quyền TP Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát, thống kê lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập, lập danh sách. Hôm 25/6, HĐND TP HCM thông qua gói 886 tỷ đồng hỗ trợ người dân, lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch của TP HCM. Riêng kinh phí hỗ trợ lao động tự do là 345 tỷ.
Kinh nghiệm đúc rút từ đợt chi trả cho hàng trăm nghìn lao động năm 2020, trong gói 62.000 tỷ đồng. Dữ liệu lao động được lưu trữ từ năm ngoái, chính quyền cập nhật thêm. Bởi sau nhiều đợt dịch, số ít lao động đã về quê nhưng phần lớn vẫn bám trụ lại thành phố để mưu sinh. Khu phố thống kê lao động tự do, không có hợp đồng với những thủ tục tối giản. Tổ dân phố, chính quyền phường họp trực tuyến lẫn trực tiếp để đẩy nhanh việc xét duyệt.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cũng đã có tờ trình gửi lên UBND thành phố với tổng kinh phí dự kiến gần 93 tỷ đồng hỗ trợ các nhóm lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch, gồm cả lao động tự do.
Tờ trình bổ sung nhiều nhóm không có hợp đồng gồm giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, nhân viên, bảo mẫu nhóm trẻ; thuyền viên phục vụ tàu du lịch, lái xe, phụ xe 12 tuyến xe buýt trợ giá của thành phố, lái xe, phụ xe các tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi hoạt động; người làm việc ở đơn vị lữ hành, lái xe, phục vụ vận chuyển du lịch, làm việc ở các khu điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, các điểm kinh doanh dịch vụ tại các bãi tắm; người làm công việc cắt tóc, dọn vệ sinh, giúp việc gia đình và bán vé số. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng mỗi người, chi trả một lần.
Ngoài ra, ngành lao động đề xuất hỗ trợ người có công cách mạng, người thuộc diện bảo trợ xã hội 1 triệu đồng; hộ nghèo, cận nghèo 500.000 đồng, chi trả một lần.
Theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội Đà Nẵng, đợt dịch này thành phố không áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hay cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 như những đợt dịch trước. Về lý thuyết, các hoạt động xã hội và diễn ra bình thường, lao động tự do ít bị ảnh hưởng. Nhưng trên thực tế, việc đóng cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, cấm tắm biển, dừng hoạt động dạy học mầm non và nhóm trẻ... đã tác động lớn đến đời sống của nhiều người dân thành phố. Đặc biệt là lao động vận tải, du lịch, lưu trú, giáo dục ngoài công lập.
Ông An cho rằng, để nhanh chóng giải ngân và hỗ trợ kịp thời thì cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh các quy trình, thủ tục. Năm ngoái, thành phố hỗ trợ hai đợt cho người lao động với số tiền 305 tỷ đồng.
Quảng Trị đã lấy xong ý kiến các ngành, chuẩn bị trình dự thảo lên UBND tỉnh phê duyệt trong vài ngày tới. Ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh cho hay "cái khó của tỉnh là ngân sách địa phương hạn hẹp nên mức chi cần tính toán kỹ". Quảng Trị tính toán nếu hỗ trợ khoảng 25.000 nghìn lao động tự do với mức tối thiểu 1,5 triệu đồng mỗi người, ngân sách sẽ chi khoảng 37,5 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng xong phương án hỗ trợ và chờ tỉnh phê duyệt. Ngành lao động tỉnh này dự kiến dưa người làm việc tại các nhà hàng ven biển, ven quốc lộ bị đóng cửa vào danh sách lao động tự do để hỗ trợ.
Các địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam... đều đang xây dựng tờ trình, chưa có kế hoạch cụ thể.
Gói an sinh thứ nhất 62.000 tỷ đồng tung ra hồi tháng 4/2020, sau một năm rưỡi hỗ trợ được hơn 1 triệu lao động tự do với số tiền hơn 1.000 tỷ. Nhóm này chủ yếu là bán hàng rong, xe ôm truyền thống, bán vé số, lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, đặc trưng không có hợp đồng, không hưởng lương cố định, không tham gia BHXH bắt buộc.
Hai làn sóng dịch hồi đầu năm và kéo dài từ tháng 4 đến nay đã khiến số lao động phi chính thức cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, khoảng 20,9 triệu người, tăng thêm 1,4 triệu so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyễn Đông - Hoàng Táo - Võ Thạnh - Hồng Chiêu