Đến chiều 12/5, Việt Nam đã ghi nhận 581 ca lây nhiễm cộng đồng ở 26 tỉnh, thành, kể từ khi đợt dịch mới bùng phát cuối tháng 4.
Khác với tháng 4 năm ngoái, khi dịch bệnh lần đầu bùng phát quy mô lớn ở Việt Nam, Chính phủ quyết định cách ly xã hội toàn quốc 15 ngày. Lần này Chính phủ chủ trương các tỉnh, thành thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo thẩm quyền được giao; trường hợp giãn cách, cách ly toàn tỉnh phải trao đổi với các tỉnh, thành phố lân cận và phải có ý kiến của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-29 và phải được Thủ tướng đồng ý (thông báo 82).
Hơn 10 ngày qua, các địa phương đã chủ động đưa ra những quyết sách chống dịch khác nhau. Việc áp dụng giãn cách xã hội được chia thành ba nhóm chủ yếu: Thành phố lớn ghi nhận nhiều ca bệnh nhưng chưa áp dụng giãn cách; địa phương đề xuất giãn cách toàn tỉnh song sau đó chỉ cách ly xã hội cấp huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh); tỉnh ít ca dương tính nhưng giãn cách toàn địa bàn từ sớm.
Hà Nội, Đà Nẵng là hai địa phương lớn, xuất hiện nhiều ca bệnh và tiếp tục tăng trong 15 ngày qua (27/4-15/5), nhưng hai thành phố đều chưa áp dụng giãn cách xã hội.
Ngày 7/5, Hà Nội ghi nhận 71 ca nhiễm nCoV (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 41 ca, Bệnh viện K 11 ca). Ba cơ sở của Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bị phong tỏa. Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định "không có việc phong tỏa thành phố vào thời điểm hiện nay". Cơ sở cho quyết định này là: tình hình dịch bệnh tuy căng thẳng, nhưng thành phố vẫn thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Các ca bệnh và người tiếp xúc được khẩn trương truy vết, khoanh vùng, cách ly và xét nghiệm để sàng lọc.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định lại quan điểm trên. "Toàn hệ thống chính trị của thành phố từng giờ, từng phút đang nỗ lực dập dịch. Bà con và nhân dân yên tâm", ông nói.
Không giãn cách toàn thành phố, Hà Nội áp dụng chiến lược "phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây, cách ly nhưng không cực đoan". Mỗi khi ghi nhận ca nghi nhiễm, thành phố chủ động cách ly ngay khu vực liên quan. Đến nay, Hà Nội có hơn 30 điểm phong tỏa, điểm lớn nhất là một làng như tại huyện Đông Anh, nhỏ như một tầng chung cư The Legacy (quận Thanh Xuân)...
Đến nay, số ca Covid-19 tăng lên 169, trong đó 100 ca đã được cách ly tại hai bệnh viện nêu trên. Như vậy, số bệnh nhân ngoài hai bệnh viện tăng thêm 50 ca trong khoảng 15 ngày.
Tại Đà Nẵng, ngày 11/5, Chủ tịch TP Lê Trung Chinh cũng khẳng định "chưa có chủ trương giãn cách xã hội". TP đang áp dụng phong tỏa từng địa điểm cụ thể liên quan đến ca bệnh và xét nghiệm sàng lọc toàn bộ người liên quan. Từ 2 ca công bố ngày 4/5, sau 10 ngày, số bệnh nhân tăng lên 102 ca.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, tại Hà Nội và Đà Nẵng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 10/5, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, một trong những nguồn bệnh ở Hà Nội là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (huyện Đông Anh), lây sang Bệnh viện K và nhiều tỉnh. "Chùm ca bệnh từ Bệnh viện K đã cơ bản được kiểm soát. Các địa phương đã truy vết, lấy mẫu, khoanh vùng rất nhanh, dự kiến sẽ ghi nhận thêm một số ca mới, nhưng khoảng 3-5 ngày tới sẽ kiểm soát được tình hình", ông Thuấn .
Cũng theo ông Thuấn, ổ dịch từ Đà Nẵng ra các địa phương đã truy vết được hết F1, nên "cơ bản kiểm soát được nguồn lây".
Vĩnh Phúc, Bắc Ninh thuộc nhóm tỉnh từng đề xuất Chính phủ giãn cách xã hội toàn tỉnh, nhưng sau đó chỉ cách ly xã hội cấp huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh).
Đêm 6/5, khi tỉnh ghi nhận 25 ca bệnh, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã đề xuất Thủ tướng và Ban thường vụ Tỉnh ủy cho giãn cách xã hội toàn tỉnh. "Quyết định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhưng chúng tôi chấp nhận để không xảy ra thêm các nguy cơ lây nhiễm", ông Thành nói.
Tuy nhiên sau đó, Vĩnh Phúc chỉ áp dụng cách ly xã hội nửa tháng với toàn TP Vĩnh Yên. Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu...
Hôm 9/5, tỉnh cách ly thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) và từ đó đến nay chủ yếu áp dụng cách thức này với đơn vị cấp thôn, tổ dân phố. Đến chiều 12/5, Vĩnh Phúc ghi nhận 73 ca Covid-19 (tăng 48 ca trong 3 ngày).
"Nguồn lây dịch bệnh từ khu cách ly Yên Bái đến Vĩnh Phúc và một số tỉnh, đã lấy được tất cả mẫu F1 và nhiều mẫu F2, dự kiến sắp tới có thêm một số ca, nhưng về cơ bản chúng ta kiểm soát được", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá hôm 10/5.
Tại Bắc Ninh, ngày 6/5, sau khi ghi nhận 12 ca Covid-19 cộng đồng, lãnh đạo địa phương đề xuất Thủ tướng cho giãn cách xã hội toàn tỉnh. "Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn rất cao", bà Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói về đề xuất này.
Đêm hôm đó, Bắc Ninh đã giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 với TP Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Thuận Thành, Tiên Du, Lương Tài. Các địa phương phải dừng tất cả hoạt động không thiết yếu, tụ tập đông người, hạn chế việc di chuyển của người dân. Từ chiều 9/5, Bắc Ninh cách ly xã hội theo chỉ thị 16 với huyện Thuận Thành.
Đến chiều 12/5, Bắc Ninh ghi nhận 124 ca Covid-19, áp dụng việc cách ly y tế một số nơi song chưa áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh.
"Hiện, Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh trong các khu công nghiệp", bà Hương Giang báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng ngày.
Cùng với đó, Đà Nẵng, Bắc Giang khẳng định với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rằng dù còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở các khu công nghiệp, nhưng địa phương đã cơ bản khoanh vùng, cách ly được các ổ dịch.
Thái Bình, Quảng Ngãi giãn cách xã hội toàn tỉnh ngay sau khi ghi nhận những ca nhiễm nCoV đầu tiên.
Sáng 6/5, ghi nhận 5 ca dương tính, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình họp khẩn, quyết định giãn cách toàn tỉnh theo chỉ thị 15, từ trưa cùng ngày.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng trên địa bàn tỉnh rất cao, bởi một số bệnh nhân, người nhà sau khi chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 về tuyến tỉnh (Bệnh viện lao phổi Thái Bình) điều trị đã tiếp xúc với nhiều người. Đến nay, Thái Bình ghi nhận 9 ca Covid-19.
Chiều 7/5, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 với các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị tỉnh Thái Bình nghiên cứu kỹ các quy định thực hiện giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo tại thông báo số 82. "Nếu cần thiết, xin ý kiến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế. Tránh hai khuynh hướng lơ là chủ quan, mất cảnh giác hoặc hoảng hốt sợ sệt, mất bình tĩnh", Thủ tướng nêu rõ.
Tại Quảng Ngãi, cũng trong ngày 7/5, sau khi ghi nhận ca bệnh cộng đồng đầu tiên là "bệnh nhân 3067", tỉnh đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan cao, nên quyết định giãn cách toàn tỉnh theo chỉ thị 15, dừng đón du khách từ trưa cùng ngày.
Bốn ngày sau, từ 0h ngày 11/5, Quảng Ngãi dừng áp dụng chỉ thị 15 trên toàn tỉnh; riêng thôn An Vĩnh tiếp tục giãn cách. Đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận một ca Covid-19.
TP HCM đến nay ghi nhận một ca dương tính trong đợt dịch lần này. Từ cuối tháng 4, thành phố đã áp dụng nhiều quyết sách chống dịch mạnh mẽ. Sau khi ghi nhận "bệnh nhân 2910", từ 30/4, thành phố đóng cửa toàn bộ 500 quán karaoke, 180 bar và vũ trường. "Các hoạt động trên có mức độ tiếp xúc cao, khó kiểm soát dịch bệnh, thời điểm này buộc phải tạm ngưng", Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói về quyết định này.
Ba ngày sau, thành phố đóng cửa rạp chiếu phim, sân khấu kịch, ca nhạc, massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử...
Tiếp đó từ 7/5, TP HCM đóng cửa gym, yoga, fitness, billiard, trung tâm tiệc cưới, cơ sở kinh doanh ăn uống buffet, hát với nhau... Các sự kiện, hoạt động trên 30 người nơi công cộng (thể dục thể thao ngoài trời, hội chợ...) cũng phải dừng tổ chức. Từ ngày 15, thành phố lập 12 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào để phòng chống dịch.
Ngoài ra, một số địa phương khác giãn cách xã hội phạm vi cấp xã, huyện. Tỉnh Hòa Bình giãn cách toàn TP Hòa Bình từ 10/5 theo chỉ thị 15, sau khi ghi nhận 5 ca dương tính Covid-19. Hưng Yên giãn cách thị xã Mỹ Hào và 10 xã thuộc huyện Khoái Châu. Nghệ An giãn cách xã hội thị xã Hoàng Mai.
Tỉnh Hà Nam là nơi khởi phát một trong các chuỗi lây nhiễm của đợt dịch mới, từ cuối tháng 4, nhưng đến nay địa phương vẫn kiên trì phương châm phong tỏa từng địa điểm phạm vi thôn, xã nơi ghi nhận ca nhiễm. Hà Nam hiện ghi nhận 17 bệnh nhân Covid-19.
Dù các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách khác nhau, nhưng theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, "Việt Nam cơ bản đang kiểm soát tốt dịch bệnh, các ca bệnh đều xác định được nguồn lây".
Trước đó, tại cuộc giao ban báo chí sáng 11/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định "chưa cần giãn cách xã hội cả nước". Theo ông, việc thực hiện "mục tiêu kép" phải luôn đảm bảo thăng bằng như đi trên sợi dây. Từ góc độ chuyên môn của những người làm trong ngành y tế và những người chống dịch, "cách dễ nhất là đề nghị giãn cách xã hội sớm, khoanh vùng rộng nhất có thể, tuyệt đối cấm người nhập cảnh".
"Nhưng chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng vì mục tiêu kép mà chúng ta đang kiên trì theo đuổi: Chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội", ông Đam nói và cho rằng, để cân nhắc giữa giãn cách xã hội và phát triển kinh tế, "đòi hỏi bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, không chỉ là bản lĩnh chính trị mà phải dựa trên cơ sở khoa học".