Chiều 11/6, Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 họp với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp (KCN).
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu, trong đó 6.448 mẫu F1, hơn 25.000 mẫu F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng. Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong KCN đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm.
Đồng thời, TP HCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao; duy trì sàng lọc theo tỷ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đánh giá tình hình hiện nay ở thành phố vẫn có nguy cơ rất cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các KCN. Vì vậy, các lực lượng trên địa bàn tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các KCN, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là KCN, địa phương đang tập trung chỉ đạo để nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp mỗi ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Lực lượng phòng chống dịch của Đồng Nai đang ở trạng thái tập trung cao độ, các tổ Covid cộng đồng hoạt động rất tích cực.
Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, với 29 KCN, 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, gần 1,2 triệu công nhân, địa phương đã yêu cầu từng công ty phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó khi có ca nhiễm. Tỉnh đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn mỗi ngày.
Hiện nay người lao động từ TP HCM lên Bình Dương làm việc rất đông, vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch, đặc biệt ở TP HCM; kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.
Các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An cho hay đang tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm; có phương án cách ly cụ thể, tính đến cả tình huống cách ly ngay trong doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ công nhân làm việc tại những địa phương khác và ngược lại từ địa phương khác đến; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20% đến 25% công nhân...
Ngoài ra, các tỉnh đang tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc.
Từ tâm dịch Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết 4 nguồn lây chính trong KCN là môi trường làm việc khép kín, dùng điều hòa; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh; trên xe ôtô đưa đón; tại chỗ trọ của công nhân.
"Bài học của Bắc Giang do năng lực xét nghiệm ban đầu hạn chế nên không bắt kịp được dịch. Tuy nhiên, khi nhiều đơn vị về hỗ trợ vẫn còn rất lúng túng do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất. Do vậy các tỉnh phải chuẩn bị kỹ năng lực xét nghiệm nếu không sẽ không thể bắt kịp dịch, khống chế, kiểm soát trong thời gian nhanh nhất", ông Lê Ánh Dương nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn một tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.
Ông yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN; những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc.
Theo Phó thủ tướng, cần có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm khác nhau, nhất là trong tình huống nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện. "Riêng mũi xét nghiệm phải có một lãnh đạo tỉnh chỉ huy, điều phối nếu có những đơn vị từ nơi khác chi viện", ông nói.
Ông cũng cho rằng không có một mô hình chuẩn cho khoanh vùng cách ly, phong toả mà phụ thuộc vào bản lĩnh, trí tuệ, sự linh hoạt, sáng tạo của lãnh đạo địa phương. Phó thủ tướng lấy ví dụ: Nếu chỉ nhìn số ca lây nhiễm ở Bắc Giang thì ngay từ đầu phải cách ly xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, nhưng thực tế số ca nhiễm chỉ tập trung ở những thôn, xóm xung quanh các KCN.
"Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm, đồng thời tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại", Phó thủ tướng nói.
Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho công nhân, Phó thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ.
"Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7 sẽ tiêm hết vaccine cho công nhân trong các nhà máy, KCN nguy cơ cao. Hết tháng 8 tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước", Phó thủ tướng nói.