Bà con phải đi rất xa để lấy nước sinh hoạt. |
Trạm bơm Vĩnh Phước ngừng bơm tưới để ưu tiên cho sinh hoạt của nhân dân thị xã Đông Hà. Hiện nay 117 trên tổng số 119 hồ chứa nước của Quảng Trị hoàn toàn khô cạn. Tâm điểm của cơn khát là các xã Gio An, Gio Hoà, huyện Gio Linh. Mỗi gia đình nơi đây chỉ kiếm được chừng 5-6 lít mỗi ngày.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, trong 10 ngày tới, miền Trung sẽ có những đợt mưa chuyển mùa, song lượng mưa rất thấp, chỉ đủ giảm thiểu nhất thời cơn hạn nặng. Xâm nhập mặn vẫn tiếp tục ăn sâu vào đất liền từ 20 đến 40 km.
Tỉnh Quảng Bình đã lấy nước từ hồ Phú Vinh (hiện nước chỉ còn 18% so với thiết kế) để cung cấp cho thị xã Đồng Hới. Hồ An Mã phải xả nước xuống sông Kiên Giang nhằm lấy nước sinh hoạt và sản xuất cho xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh). Bà con xã Duy Ninh cũng đang tập trung đào giếng ngay giữa đồng với hy vọng có thêm nguồn nước tưới.Nhiệt độ cao, gió tây nam thổi mạnh, cùng với nhu cầu sử dụng nước cao nên có tới 110 hồ chứa nước của Quảng Bình hoàn toàn cạn kiệt. 16.000 hộ dân với khoảng 80.000 người bị thiếu nước sinh hoạt, 1.760 ha lúa hè thu, 600 ha cây rau màu và gần 500 ha cây công nghiệp đang khô hạn. Trên sông Giang, nước mặn đã ăn sâu vào đất liền 30 km, trên sông Ròn, mặn lên đến đập Vực Tròn 25 km. Đặc biệt, nhiệt độ cao (lên tới 38,2 độ C) đã thiêu cháy 10 ha rừng thông của Lâm trường Đồng Hới vào ngày 14/8.
Tỉnh Quảng Nam đã tận dụng nước suối Hà Chân chống hạn cho 2 xã Phú Bình, Bình Định, huyện Thăng Bình, nơi đang bị hạn nặng nhất. Hiện nay, 3.300 hộ dân với khoảng 14.000 nhân khẩu cùng 2.400 ha lúa đang cần nước, tuy nhiên hy vọng rất mong manh bởi nước các hồ lớn như Phú Ninh, Khe Tân, Vĩnh Trinh đang cạn.
Nhằm giúp các hộ dân chống hạn, ngày mai, 2 đoàn công tác của Cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) sẽ vào Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị. Trước đó, Cục đã tích cực chỉ đạo địa phương sửa chữa gia cố đảm bảo kín nước các cống ngăn mặn giữ ngọt, đắp đập tạm ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng.
Như Trang