Sáng 24/11, các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre có mưa nhỏ, người dân vẫn sinh hoạt, sản xuất như ngày thường. Đây là những tỉnh trước đó dự kiến không bị ảnh hưởng của bão Usagi. Tuy nhiên, so với hôm trước, hiện bão đã dịch xuống phía Nam, khu vực dự kiến đổ bộ kéo dài từ Bình Thuận đến Bến Tre.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, chiều hôm trước, địa phương đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi. Hơn 2.500 phương tiện với hơn 15.600 người, được yêu cầu vào nơi tránh trú.
Ngoài ra, các huyện biển như Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú phải sẵn sàng chằng chéo nhà cửa, sơ tán người dân khi có trường hợp khẩn cấp. Các tuyến đê xung yếu ven biển cũng được gia cố đề phòng triều cường dâng cao.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cũng cho biết, tỉnh có 1.400 tàu đánh cá, hiện gần 700 tàu đã vào bờ, còn trên 700 chiếc với hơn 5.000 ngư dân đang hoạt động và vẫn liên lạc được.
"Chúng tôi đã yêu cầu hai huyện ven biển Tân Phú Đông, Gò Công Đông được đánh giá có khả năng chịu ảnh hưởng lớn phải sẵn sàng cho tình huống có bão", ông Pháp cho biết.
Là tỉnh tiếp giáp TP HCM, Long An cũng được dự báo nằm trên đường đi của bão Usagi. Sáng nay, người dân tại bốn huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành tất bật gia cố nhà cửa, sẵn sàng ứng phó bão.
"Do bão vào ngay ngày nghỉ, nên tỉnh vừa chỉ đạo các ban ngành liên quan phải mở điện thoại 24/24 cập nhật sớm nhất diễn biến bão để chủ động đề phòng", ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão Long An, nói.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trà Vinh, toàn tỉnh có hơn 1.200 tàu với gần 4.900 ngư dân. Trong đó có 42 tàu với 244 ngư dân hoạt động xa bờ nhưng tất cả đều ngoài khu vực ảnh hưởng của bão. Số còn lại neo đậu tại bến.
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết đã yêu cầu các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó trong mọi tình huống.
Sáng 24/11, tâm bão Usagi cách đảo Phú Quý khoảng 110 km, cách Phan Thiết khoảng 210 km, cách Vũng Tàu 300 km, cách Ba Tri (Bến Tre) 340 km. Sức gió tối đa 100 km/h (cấp 10), giật tăng hai cấp. Dự kiến, tối 24 và ngày 25/11, bão sẽ vào đất liền từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8.
Nam Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền Tây hiếm khi có bão, song nếu bão vào lại gây thiệt hại rất nghiêm trọng do người dân không có kinh nghiệm phòng chống như ở miền Trung, Bắc.
12 năm trước, cũng thời điểm cuối năm, bão số 9 - Durian quét qua tỉnh Bến Tre làm hơn 71.000 ngôi nhà đã đổ sập hoặc tốc mái, đè chết 17 người, làm bị tương 160 người khác. Tỉnh Tiền Giang cũng có hai người chết, 22 người bị thương và gần 9.000 căn nhà đổ sập.
Bão số 5 - Linda (ngày 2/11/1997) quét qua vùng ven biển Nam Bộ và đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang lúc 19h với sức gió mạnh cấp 9-10, làm gần 3.000 người chết và mất tích, hàng chục nghìn tàu thuyền bị đắm.
Hoàng Nam - Huy Phong