Robot Philae đặt chân lên phi thuyền ngoài hành tinh
Ngày 12/11, robot Philae của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, ghi dấu mốc trong lịch sử nghiên cứu không gian. Tàu vũ trụ Rosetta mang theo robot Philae bắt đầu hành trình từ Trái Đất cách đây 10 năm.
Sau 57 giờ, robot Philae rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng. Các nhà khoa học cho biết dù tạm dừng hoạt động, Philae đã truyền được các dữ liệu và hình ảnh đen trắng về Trái Đất.
Tuy nhiên theo một email, được cho là gửi từ người của ESA, 67P/Churyumov-Gerasimenko trên thực tế không phải là một sao chổi. Thay vào đó, đây là một vật thể ngoài hành tinh và có thể là phi thuyền. Vật thể được cho là đã phát thông tin liên lạc trong nhiều năm qua, và sứ mệnh khám phá nó trên thực tế là nỗ lực bí mật để kết nối. ESA vô tình khơi gợi sự tò mò và những suy đoán khi nói về các âm thanh giống cá heo trên sao chổi.
NASA đứng sau vụ nổ phi thuyền vũ trụ
Phi thuyền vũ trụ SpaceShipTwo hôm 30/11 rơi xuống sa mạc Mojave, cách thành phố Los Angeles, Mỹ, 150 km về phía bắc. SS2 gặp nạn trong một chuyến bay thử, khiến một phi công thiệt mạng và một người khác bị thương nặng.
Đây là tai nạn thứ hai trong một tuần liên quan đến một công ty vũ trụ Mỹ. Trước đó hai ngày, tên lửa Antares do tập đoàn Orbital Sciences chế tạo phát nổ chỉ 15 giây sau khi được phóng đi từ bang Virginia, phá hủy tàu không gian chở hàng cho Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Có giả thiết cho rằng vũ khí không gian đã được đưa vào quỹ đạo và ngụy trang như một vệ tinh gián điệp. Trong hai trường hợp này, phi thuyền và tên lửa "bị phá hủy trong giai đoạn phóng tên lửa đẩy, khi chúng dễ bị tấn công bằng laser nhất".
Theo giả thiết khác, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đứng sau các vụ việc này, khi các công ty tự do (do các hãng các hãng công nghệ lớn đứng đầu) đang bắt đầu bước chân vào cuộc đua chinh phục không gian.
Tuyết nhựa giả ở Mỹ
Bão tuyết xuất hiện ở Mỹ hồi đầu năm nay khiến nhiệt độ xuống thấp kỷ lục nhất trong nhiều thập kỷ. 140 triệu người dân Mỹ phải đối phó với một lượng tuyết dày, trong khi những khu vực ấm hơn như Atlanta hay Georgia cũng phải chống chọi với đợt lạnh lịch sử này.
Tuy nhiên, nhiều người tin rằng chính quyền liên bang đã sử dụng công nghệ để tạo tuyết giả tại khu vực miền nam nước này. Trong một số video trên YouTube, họ sử dụng bật lửa để chứng minh rằng tuyết không tan chảy và chuyển sang màu đen.
Tuy nhiên, các nhà khí tượng học giải thích rằng đây chỉ là hiện tượng bình thường. Tuyết có thể chuyển sang dạng khí khi bị đốt nóng và butane - nhiên liệu trong hầu hết các loại bật lửa, sẽ để lại vết đen trên bất kỳ thứ gì sau khi cháy. Một số người còn ngửi thấy mùi độc hại, nhưng đây được cho là do butane gây ra.
Anh Hoàng (Theo Telegraph)