Cha mẹ nào cũng muốn con mình tròn trịa, giỏi giang. Nhưng nhiều cháu sinh ra đã có khiếm khuyết nào đó. Việc nhận trẻ khuyết tật vào học phải được ưu tiên từ chính sách với các trường, các thầy cô giáo có thành tích khi giúp trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng.
Trẻ nhỏ trêu bạn là vô thức, nếu được giáo dục thì các cháu sẽ thương yêu các bạn bị thiệt thòi. Vấn đề là ngay từ khi học sư phạm, các thầy cô cần được dạy chăm sóc trẻ khiếm khuyết, và cách phổ biến sự chăm sóc đến cộng đồng.
Tôi nhớ, vào một dịp nghỉ hè, cách đây đã khá lâu, tại bãi biển Sầm Sơn tôi chứng kiến, một cháu khoảng hơn 10 tuổi, chỉ vầy vũng cát nhỏ trên bờ, hành động rất ngu ngơ, bị các cháu khác trêu chọc. Lúc bấy giờ, một cháu gái 6 tuổi, đã mạnh dạn tiến đến, nói với các bạn cũng chỉ 6 tuổi như cháu: Em xin các chị đừng trêu chị em, chị em không xuống nước được, chị em không nhanh nhẹn như em, nhưng các chị trêu chị em, mẹ em sẽ rất đau lòng. Ai cũng muốn nhanh nhẹn như các chị, nhưng chị em không được như vậy, xin các chị đừng trêu chị em nữa nhé.
Vậy là cả nhóm các cháu đang trêu cháu lớn hơn đã ngừng trêu và xin lỗi, sau đó các cháu đối xử rất chân thành, thậm chí giúp đỡ người chị bị thiểu năng.
Mỗi gia đình đã rất vất vả khi có con khiếm khuyết, nhưng một xã hội tốt đẹp là xã hội biết nhìn nhận tất cả các con của mình, dù tròn hay méo. Việc này trước hết là trách nhiệm ngành giáo dục.