Hình ảnh người phụ nữ tự chủ có thể được xem là dấu hiệu của nền văn minh hiện đại, song trong tác phẩm Các thành tố gia đình: Giới tính, chính quyền và xã hội ở Việt Nam thời kỳ cận đại, 1463 -1778, giáo sư Trần Tuyết Nhung chứng minh: Từ hàng trăm năm trước, phụ nữ có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, tạo ra sức ảnh hưởng trong cộng đồng, bất chấp sự kìm hãm của luân lý Nho giáo.
Giáo sư Trần Tuyết Nhung là một nhà sử học văn hóa và xã hội Đông Nam Á, có các nghiên cứu về sự giao thoa giữa giới tính, luật pháp và tôn giáo Việt Nam thời kỳ đầu hiện đại. Bà từng đoạt giải thưởng Anthony M. Clark Rome trong hạng mục Nghiên cứu thời Phục hưng và Cận đại, do Viện hàn lâm Mỹ tại Rome (AAR) trao tặng.
Bằng cách kết hợp nhiều nguồn tư liệu từ văn bản tư pháp, hành pháp, chúc thư, văn bia cho đến văn học dân gian, giáo sư khắc họa đa chiều cuộc sống của phụ nữ từ khoảng giữa thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18. Tác phẩm cũng nhằm nghiên cứu giới tính đóng vai trò trung tâm thế nào đối với sự phân chia quyền lực trong xã hội miền Bắc Việt Nam suốt các triều đại Lê và Mạc.
Giới và mối quan hệ về quyền lực
Theo tác giả, giới - với tư cách là "phương thức quan trọng để biểu thị các mối quan hệ về quyền lực" - là trọng tâm của mối quan hệ giữa nhà nước và tổ chức địa phương vào thời kỳ cận đại. Vào thời Lê, các lãnh đạo chính trị của nhà nước đã dùng thân phận, địa vị của phụ nữ như một phép ẩn dụ về trật tự xã hội: Nếu người phụ nữ được giáo dục để biết được vị trí thích hợp của mình trong xã hội, thì trật tự đó có thể được thực hiện.
Tuy vậy, bất chấp những hạn chế từ quy định của luật pháp và tập tục địa phương, tác giả đưa ra nhiều bằng chứng thú vị cho thấy nhiều phụ nữ đã nổi lên như những nhà bảo trợ quan trọng về mặt kinh tế trong cộng đồng của mình.
Bị loại trừ khỏi việc nắm giữ quyền hành chính thức trong các vấn đề của địa phương và nhà nước. Thế nhưng, ít ai biết phụ nữ đã tận dụng cơ cấu trong đời sống hàng ngày để tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể. Họ xây dựng lại cầu cống để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương qua lại giữa các làng xã, trùng tu các ngôi chùa, chuyển giao đất đai cho cộng đồng. Bằng cách đó, nhiều phụ nữ đã dùng tài sản của mình để trở thành người bảo trợ của cộng đồng và nhập quy với tư cách là "những vị thần thứ hai" (hậu thần), chỉ đứng sau Thành hoàng làng.
Những phát hiện tương tự không chỉ giúp người đọc có được cái nhìn toàn cảnh về cơ cấu xã hội, những tư tưởng đã định hình đời sống của người phụ nữ, mà còn đưa ra một góc nhìn sâu sắc về những thách thức mà các cá nhân phải đương đầu trong sinh hoạt và tiết lộ một số cách thức giúp họ vượt qua những thử thách đó.
Những nỗ lực tạo ra ảnh hưởng của phụ nữ trong đời sống kinh tế, tôn giáo địa phương và nỗ lực của nhà nước nhằm kiểm soát hiện tượng này cho thấy giới tính không chỉ đơn thuần là một lăng kính để qua đó ta có thể nhìn thấy sự thay đổi văn hóa và xã hội, mà còn là trọng tâm của mối liên hệ giữa nhà nước và các cộng đồng địa phương trong xã hội Việt Nam thời kỳ cận đại.
Ngoài những trọng tâm về hệ thống giới tính và quyền lực, Các thành tố gia đình cũng đề cập nhiều khía cạnh của xã hội cận đại như vấn đề về kiểm soát thân thể phụ nữ, những quy tắc dành cho tầng lớp thấp kém như gái điếm, ca kỹ, đời sống sinh hoạt trong thời kỳ nội chiến hay vấn đề đồng tính. Có thể nói, cuốn sách mỏng với hơn 300 trang này đã góp phần khắc họa cuộc sống của người Việt Nam trong bốn thế kỷ với hệ thống đức tin và tập quán thay đổi liên tục nhằm phù hợp với các nhu cầu của thời đại.
Việc sử dụng bi ký (bia ký) làm nguồn tư liệu lịch sử cũng là điểm nổi bật trong công trình. Bia ký là những công trình kiến trúc bằng đá cao hàng mét được bảo tồn ở các địa điểm công cộng, ghi khắc những lời giáo huấn, những câu chuyện thần thoại và các khế ước. Nó cũng ghi khắc công đức của các cá nhân cho cộng đồng địa phương vào thế kỷ 17 và thế kỷ 18 với số lượng lớn tên của phụ nữ được tác giả đánh giá là nguồn thông tin phong phú nhất trong nghiên cứu.
Các từ điển ở thế kỷ 17 và thế kỷ 18 đóng vai trò là nguồn tư liệu bất ngờ giúp tìm ra những mô tả ở địa phương và nước ngoài về các thể chế trong xã hội Việt Nam, các mối quan hệ của con người, vai trò của hôn nhân, đạo hiếu, và các nghi thức tang lễ. Ngoài ra các bài ca dao, truyện truyền kỳ, bút ký của người nước ngoài cũng làm phong thêm thêm mô tả về cuộc sống.
Trong tác phẩm, bà Trần Tuyết Nhung thừa nhận "không có nguồn nào trong số những nguồn này là không có vấn đề. Nhưng bằng cách sử dụng cùng lúc, tôi muốn trình bày một bản phác thảo sơ bộ về ảnh hưởng của hệ tư tưởng giới của nhà nước đối với đời sống hàng ngày của phụ nữ và nam giới trong thời kỳ cận đại".
Ngạn Bình