Sự đi xuống của giá nhà ở tại Trung Quốc đã lan rộng từ các thành phố nhỏ đến đô thị lớn. Thực trang này khiến cơ quan quản lý nhiều địa phương phải đưa ra giải pháp để không ảnh hưởng đến ngân sách.
Thành Đô, thành phố tại vùng tây nam nước này, đã công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các nhà phát triển bất động sản, cũng như người mua nhà vào cuối tháng 11. Họ đang thúc giục các tổ chức tài chính tăng hạn mức cho vay với các doanh nghiệp nhà đất, giải ngân khoản vay một cách nhanh chóng. Các doanh nghiệp bất động sản lớn sẽ được phép trả chậm hoặc hưởng lãi suất ưu đãi.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy cách các thành phố đang chống chọi với sự suy thoái của thị trường nhà đất. Không chỉ các thành phố nhỏ, thị trường nhà đất ở các đô thị lớn cũng phải đối mặt nhiều vấn đề.
Ở phía đông bắc, tháng trước, Thiên Tân đã chỉ thị cho các công ty bất động sản hạn chế việc giảm giá. Các bất động sản mới xây phải được bán với giá thấp hơn không dưới 15% giá ban đầu được báo cáo với chính quyền thành phố. Đồng thời, nhà chức trách phải được cảnh báo trước khi có bất kỳ đợt giảm giá lớn nào. Ít nhất 20 thành phố đã áp đặt giới hạn giảm giá bất động sản từ mùa hè.
Giá nhà ở hầu hết thành phố Trung Quốc đã giảm trong mùa hè này, một phần do các yêu cầu sàng lọc thế chấp chặt chẽ hơn. Năm trong số 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã chứng kiến giá căn hộ mới giảm trong tháng 5 so với tháng trước, theo dữ liệu của Cục Thống kê nước này. Con số đó đã tăng vọt lên 52 vào tháng 10 và trở thành tháng tệ nhất kể từ tháng 2/2015.
Thành Đô, Thiên Tân và Nam Kinh được coi là các thành phố "cấp một mới", ngay dưới các thành phố "cấp một" là Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến xét về quy mô và tầm quan trọng kinh tế. Giá căn hộ trung bình tại các thành phố hạng nhất mới bắt đầu giảm 0,1% vào tháng 10. Tăng trưởng đã chững lại ngay cả với các thành phố hạng nhất vào tháng 9, trong khi giá cả ở Quảng Châu và Thâm Quyến cũng bắt đầu giảm.
Tuy nhiên, các yêu cầu thế chấp khó khăn hơn chỉ là một phần của những nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường. Trung Quốc tìm cách hạn chế việc vay nợ quá mức trong lĩnh vực bất động sản. Yếu tố này đã thu hút sự chú ý của toàn cầu với cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande. Một số doanh nghiệp không đủ tiền đã phải thanh toán cho nhà thầu bằng chính bất động sản. Sau đó, các nhà thầu đã nhanh chóng bán tháo và cũng khiến giá nhà đất đi xuống.
Điều này khiến chính quyền địa phương lo ngại khi họ bán quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư để họ xây nhà ở và các cơ sở thương mại. Giá căn hộ giảm cũng sẽ đẩy nguồn thu từ việc bán quyền sử dụng đất đi xuống.
Một số thành phố đang bán bớt đất đắc địa dự kiến thu hút nhu cầu mạnh mẽ. Bắc Kinh đã bán đấu giá các lô đất cách quảng trường Thiên An Môn khoảng 20 phút lái xe vào tháng 11. Họ cũng đang tiến hành đấu giá một lần nữa trong tháng này. Thành phố Hàng Châu cũng đã cung cấp nhiều lô đất hơn ở trung tâm thành phố.
Lo ngại bong bóng bất động sản sẽ làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính trong nước, Trung Quốc đã tăng cường các hạn chế với bất động sản khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế. Thế nhưng, khi các nhà phát triển hàng đầu như Evergrande bắt đầu gặp khó khăn, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) và các cơ quan khác đã kêu gọi các ngân hàng không thắt chặt các nguồn tài chính liên quan đến bất động sản.
Theo PBOC, các khoản thế chấp chưa thanh toán đã tăng 348 tỷ nhân dân tệ (54,6 tỷ USD) trong tháng 10. Mức tăng này nhanh hơn khoảng 100 tỷ USD so với tháng 9. PBOC thường công bố chỉ tiêu này hằng quý, nhưng việc thông báo theo tháng như trên có thể nhằm báo hiệu sự thay đổi trong chính sách điều hành của chính phủ.
Tú Anh (theo Nikkei)