Sau 3 bài hát Da nâu bị cư dân mạng gọi là "thảm họa Vpop", Phi Thanh Vân tiếp tục tung video clip mới có tên gọi Tâm hồn là vĩnh cửu, với nội dung sáo rỗng, ca từ nhạt nhẽo.
Đoạn mở đầu, Phi Thanh Vân cầm chiếc dép làm micro cất tiếng: "Phụ nữ chẳng có ai xấu, mà chỉ có không biết chăm sóc làm đẹp mà thôi... hề hề... hay không... hay không?".
Lời bình luận trên mạng của người xem và nghe bài hát "Tâm hồn là vĩnh cửu". Ảnh chụp màn hình. |
Clip được tung lên mạng không lâu đã nhanh chóng thu hút hàng nghìn lượt xem. Đa số người nghe đều buông lời chê bai, chỉ trích, kêu gọi tẩy chay nữ diễn viên. Nickname drduykhoahoc bình luận: "... Không biết gì về âm nhạc thì đừng nên làm cho âm nhạc xấu đi. Bài nhạc gì mà người ta nghe vào thì thấy nhức đầu hơn là thoải mái. Không phải cái gì viết ra được cũng hát được, nghe nhạc một đường, hát một đường, không ra gì cả...".
Không riêng Da nâu hay Tâm hồn vĩnh cửu, rất nhiều ca khúc nhạc Việt lấy danh nghĩa nhạc thị trường nhan nhản tồn tại với nội dung và lời lẽ khó nghe.
Những tiêu đề giật gân như Theo tình tình phụ phụ tình tình theo, Thế giới thứ ba, Buông xuôi cho số kiếp, Vọng cổ teen, Kiếp đàn bà thân xác đàn ông... một thời làm "khó chịu" những ai yêu nhạc vẫn ngang nhiên tồn tại. Với lời bào chữa rằng họ đang phản ánh đời sống bình dân, người sáng tác và biểu diễn cứ vô tư ra mắt ngày càng nhiều ca khúc liên quan vấn đề xã hội, giới tính, tình yêu... với lối dùng từ dễ dãi đến không có thẩm mỹ.
"Mất đi người yêu anh thì sao, mất đi người yêu thì với anh cũng thế thôi, người yêu anh trên thế gian còn rất nhiều" (Không yêu đừng nới lời cay đắng) hay "chỉ vì tôi là đồng tính có lý riêng của mình, kiếp sau tôi sẽ không là đàn ông..." (Kiếp đàn bà thân xác đàn ông)... có khả năng làm giật mình những ai nghe thấy. Còn ai vốn dị ứng với dòng nhạc này thì chỉ biết chọn cách lánh xa, không nghe tới... cho "lành".
Thời gian gần đây, câu chuyện giới tính ngày càng được bộc lộ rõ nét bằng âm nhạc. Những lời lẽ có vẻ "tế nhị" khó nói ngay cả khi trò chuyện ngoài đời thực lại được những người sáng tác đưa vào lời hát quá tự nhiên như: "Chuyện tôi và anh ấy chua xót đắng cay chỉ vì tôi mang tội lỗi tôi là gay. Nhưng mà tôi yêu anh chân thành thiết tha với một lòng một dạ, phải biết làm sao nhưng rồi tôi nhẹ nhàng trao cho anh nụ hôn ngọt lén lút trong giây phút tuyệt vời..." (Gay-2K) hay "là người con gái nhưng không thích đàn ông... là người con gái nhưng chỉ thich đàn bà (Thế giới thứ tư)...
Anh Đào Bá Duy ở quận 10, TP HCM, bức xúc: "Bản thân tôi là một người trẻ nhưng không thể chịu được một số ca khúc thị trường bây giờ. Thực sự tôi không hiểu tại sao cảm nhận về âm nhạc của một bộ phận thế hệ trẻ bây giờ lại quá ư dễ dãi đến thế, tới mức cẩu thả".
Nhưng nam khán giả này không quá bi quan. Theo anh, các bài hát thuộc thể loại nhạc thị trường dễ dãi này chỉ rộ lên trong thời gian ngắn, theo kiểu "nghệ thuật ăn xổi ở thì". "Tôi vẫn hy vọng một tương lai gần, âm nhạc Việt Nam có thêm các nhạc sĩ và ca sĩ có tố chất và chuyên môn thực thụ, tạo nên các ca khúc sống lâu trong lòng người nghe".
Đức Trí (trái) giúp ca sĩ Lê Hiếu sản xuất album mới trong năm 2011. Ảnh: H.D.
Giới chuyên môn nhận định, sở dĩ tồn tại nhiều ca khúc kém chất lượng trên thị trường là do xu hướng người nghe tò mò, thích cái lạ, cái mới. Điều đó thúc đẩy một số nhạc sĩ chạy theo thị hiếu, tạo ra những ca khúc nhạt nhẽo, kém chất lượng.
Dưới góc độ của một nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Đức Trí cho rằng: "Chúng ta nên phân biệt đâu là loại hình âm nhạc giải trí, đâu là loại hình nghệ thuật. Với những ca khúc mang tính giải trí, người ta chỉ nghe vì tò mò mà không để lại một ý nghĩa nào. Cho đến bây giờ, tôi tin khán giả có khả năng thẩm định âm nhạc rất tốt. Cái đáng nói ở đây là là sự lầm tưởng của người sáng tác, tạo ra tác phẩm khi cứ nghĩ công chúng đang thích và cứ chạy theo. Trong loại hình giải trí vẫn có một giá trị nghệ thuật nhất định, nếu đi quá giới hạn sẽ trở nên cái gọi là lố bịch trong âm nhạc".
Còn nhạc sĩ Hoài An cho rằng, hiện tượng nhạc kém chất lượng nở rộ như "nấm mọc sau mưa" là do chưa có quy định rõ ràng về khía cạnh thẩm mỹ trong âm nhạc. Các cán bộ văn hóa khi duyệt các ca khúc mới chủ yếu dựa vào cảm tính.
"Chính những ca khúc kém chất lượng này ngày càng làm người nghe quay lưng với nhạc Việt. Sự chênh lệch về cách nhìn nhận của người quản lý văn hóa một phần làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ âm nhạc của lớp trẻ bây giờ", tác giả "Tình thơ" nói.
Theo Hoài An, muốn hạn chế các ca khúc kém chất lượng này rất khó bởi không chỉ là vấn đề kiểm duyệt, việc phát tán các ca khúc kém chất lượng trên thị trường còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận của người sáng tác và người hát.
Hoàng Dung