Thông tin Marca đưa hôm 29/4 cho hay Djokovic đã thay mặt đồng nghiệp tại hệ thống đề xuất với ban tổ chức các giải Grand Slam về việc tăng tổng tiền thưởng.
Australia Mở rộng, Roland Garros, Wimbledon và Mỹ Mở rộng đều tăng tiền thưởng đều đặn trong những năm gần đây. Nhưng theo các tay vợt, quỹ thưởng vẫn chưa đủ để họ hài lòng và kém xa doanh thu của các giải đấu. Ở Australia Mở rộng 2020, doanh thu của giải là gần 220 triệu USD nhưng tổng tiền thưởng "chỉ" là 49,2 triệu. Quỹ thưởng này thực tế cũng đã tăng 14% so với năm ngoái. Xét về tổng tiền thưởng, Australia Mở rộng đứng thứ ba trong số bốn Grand Slam, kém Wimbledon (49,5 triệu) và Mỹ Mở rộng (57 triệu).
Mục đích chính của lần tăng tiền thưởng vừa qua tại Melbourne là hỗ trợ các tay vợt bị loại sớm. Những người thua ở vòng loại đầu tiên nhận 13.850 USD, trong khi những tay vợt bị loại từ vòng một nhận 62.334 USD - cao nhất trong bốn giải Grand Slam. Mức thưởng này tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng mạnh tiền thưởng cho các tay vợt bị loại sớm cũng là điều mà Djokovic mong muốn nhất, khi nhiều đồng nghiệp của anh đang lao đao vì Covid-19.
Các hoạt động tennis chuyên nghiệp dừng lại đến ít nhất là giữa tháng 7 khiến các tay vợt ngoài top 100 gặp khó khăn về tài chính. Djokovic, Federer và Nadal đã lập quỹ để ủng hộ các tay vợt có thứ bậc thấp. Ban đầu, "Big Three" định hỗ trợ các tay vợt có thứ bậc từ 250 đến 700, nhưng sau đó rút xuống từ 150-500. Mỗi tay vợt thuộc nhóm này dự kiến nhận khoảng 10.000 USD tiền hỗ trợ.
Djokovic đang dẫn đầu về số tiền thưởng trong lịch sử tennis, với 143,6 triệu USD. Andy Murray, người xếp thứ tư trong danh sách này với 61,6 triệu, lại nghĩ khác về tiền thưởng ở Grand Slam. "Đôi khi bạn nhìn vào tiền thưởng của nhà vô địch các Grand Slam", Murray nói với CNN. "Tôi không nhớ chính xác, nhưng khoảng 4 triệu USD. Số tiền đó liệu có thể được dùng hữu ích hơn không? San sẻ cho các tay vợt bị loại sớm, các tay vợt phải đấu loại hay chia cho các sự kiện nhỏ hơn cũng là một cách hay".
Nhân Đạt (theo Marca)