Phương pháp nạo phá thai hiện đã có nhiều cải tiến lớn, nhưng không tránh được việc dùng dụng cụ nong bằng kim loại để làm rộng cổ tử cung; dùng que kim loại để dò hướng và đo độ dài buồng tử cung. Ngoài ra, bác sĩ còn phải dùng ống hút bằng kim loại để hút phôi thai và đế cuống rốn, dùng muôi bằng kim loại để nạo sạch tử cung. Từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc, họ đều phải dùng dụng cụ kim loại đưa vào đưa ra, có khả năng làm xước tử cung, thậm chí tạo thành lỗ rách ở tử cung.
Khi tổ chức đế cuống rốn bị hút ra khỏi vách tử cung, nhiều mạch máu bị vỡ ra. Nếu như đế cuống rốn không lấy ra được nhanh, sự co bóp của tử cung sẽ bị ảnh hưởng, có thể làm cho các mạch máu không liền lại, gây mất nhiều máu. Nếu bệnh nhân bị viêm sinh dục chưa chữa khỏi hoặc quá trình thủ thuật không đảm bảo vô trùng, các dụng trên có thể đưa vi khuẩn vào buồng tử cung, gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, việc nạo hút thai còn có khả năng để lại di chứng, nhất là đối với các trường hợp nạo hút nhiều lần:
Dính buồng tử cung: Nếu nạo hút quá mức, lớp gốc ở nội mạc tử cung bị tổn thương, mặt màng có thể dính vào nhau, ảnh hưởng đến sự vận hành của tinh trùng và làm cho trứng đã thụ thai khó cắm vào, hoặc dễ sẩy. Sự tổn thương niêm mạc tử cung cũng gây rối loạn kinh nguyệt như giảm lượng máu kinh, xuất huyết không theo một quy tắc nào, bế kinh lâu dài.
Vô sinh: Không thụ thai được do ống dẫn trứng bị viêm. Khi thủ thuật không đảm bảo vô trùng, chứng viêm có thể từ nội mạc tử cung lan sang ống dẫn trứng, làm cho khoang ống dẫn trứng bị dính, tắc. Tinh trùng và trứng không gặp được nhau.
Sẩy thai hoặc đẻ non: Khi nạo phá thai, nhất là khi nạo, bác sĩ phải dùng đến kìm để lấy thai ra. Nếu miệng cổ tử cung bị dụng cụ nới rộng làm rách thì sau đó, bệnh nhân khi mang thai sẽ bị sẩy sau 12 tuần.
Đế cuống rốn bị dính hoặc cắm sâu vào tử cung: Khi tử cung bị nạo quá sâu hoặc nhiều lần, nội mạc bị tổn thương và teo lại. Đến lần mang thai sau đó, nội mạc tử cung phải bong lớp màng đáy ra để tiếp nhận phôi bào cấy vào. Màng tử cung bong ra phát dục không tốt, lông tơ ở bên ngoài phôi bào sẽ cấy sâu vào, thậm chí còn xâm phạm tới lớp cơ bên dưới của màng tử cung. Như vậy, đế cuống rốn được hình thành sẽ không dễ hoặc không thể tách khỏi vách tử cung. Hậu quả là khi sinh nở, phần bị cấy sâu của đế cuống rốn không tách ra hết, gây ảnh hưởng đến sự co bóp của tử cung; còn ở chỗ tách ra được cũng tạo thành một hõm máu chảy ra, dẫn đến xuất huyết nhiều. Trường hợp đế cuống rốn cắm quá sâu, chỉ có cách cắt bỏ tử cung mới cứu được sản phụ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)