Hệ tiêu hóa gồm một tập hợp các cơ quan như: dạ dày, ruột già, ruột non, trực tràng… có nhiệm vụ chuyển thức ăn thành dưỡng chất và hấp thu các dưỡng chất này vào máu để cung cấp cho cơ thể. Nhưng giống những bộ phận khác trong cơ thể, nếu không được chăm sóc cẩn thận, hệ tiêu hóa cũng gặp "trục trặc" như: viêm ruột thừa, đau dạ dày... Dưới đây là các tác nhân gây rối loạn tiêu hóa:
Ăn uống kém về sinh
Việc thường xuyên ăn uống tại các quán xá vỉa hè, nhà hàng kém vệ sinh hay mua thực phẩm không rõ nguồn gốc... đều là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như đau bụng, tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột... Để tránh gặp phải vấn đề với hệ tiêu hóa, trước khi ăn hay sau khi đi vệ sinh, bạn cần rửa tay bằng xà phòng có chất diệt khuẩn. Thực phẩm phải được rửa thật sạch trước khi chế biến.
Sử dụng những loại thức ăn 'kỵ' nhau
Theo nghiên cứu, một số loại thực phẩm khi nấu chung, hoặc đưa vào cơ thể cùng lúc có thể gây tình trạng khó tiêu hóa, ngộ độc hoặc nhiễm độc lâu dài. Trong chế biến món ăn, bạn nên lưu ý tránh những món ăn kỵ nhau như: Thịt chó không nên ăn với tỏi, dễ gây khó tiêu; củ tỏi ăn chung với cá trắm làm bụng chướng đầy hay sinh ra sán; cua ăn với mật ong, kem, làm ứ trệ ở dạ dày... Ngoài ra, bạn cũng nên tránh những loại thức ăn "dị ứng" với cơ thể (nếu có) như: trứng, sữa bò, hải sản, chanh...
Do tác dụng phụ của thuốc trị bệnh
Một số loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh dễ gây phản ứng phụ là tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa. Hiện tượng này sẽ hết khi bạn ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp dùng kháng sinh liều cao, kéo dài có thể gây ra tình trạng tiêu chảy nặng hơn, được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Trước khi sử dụng thuốc, bạn cần có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.
Công việc căng thẳng, ăn uống thất thường
Bên cạnh thực phẩm kém vệ sinh thì làm việc trong môi trường áp lực, bận rộn khiến việc ăn uống không theo một thời gian nhất định cũng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa như: đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đường ruột… Vì thế, bạn nên đảm bảo có bữa ăn cân bằng và sinh hoạt khoa học, không nên ăn quá nhiều hoặc quá nhanh, cũng đừng để lúc bụng "đói meo" mới nạp năng lượng. Bạn cần ăn uống, nghỉ ngơi đúng giờ để cải thiện đường tiêu hóa. Hãy kiểm soát căng thẳng trong công việc bằng cách thực hành kỹ thuật thở có chất lượng và các hoạt động thể chất.
Điều trị bệnh không đúng cách
Nhiều người khi thấy bụng xuất hiện vấn đề như: ăn uống thường bị tiêu chảy, hay gặp phải tình trạng táo bón, đi ngoài thấy đau hậu môn... không tới bác sĩ thăm khám ngay mà tự chữa trị tại nhà bằng cách uống các loại men tiêu hóa hay bài thuốc dân gian do người xung quanh mách bảo, tự tìm kiếm trên các diễn đàn... Chính việc điều trị không đúng cách này khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn.
Dân gian có câu: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Vì thế, bạn cần tránh trước khi bệnh tình xảy ra bằng cách ăn uống, sinh hoạt điều độ, đi khám bác sĩ định kỳ để đảm bảo sức khỏe ổn định, sử dụng các sản phẩm bảo vệ đường ruột, dạ dày theo chỉ dẫn của bác sĩ. Và khi gặp bất cứ vấn đề gì về đường tiêu hóa nên được thăm khám để có hướng điều trị ngay lập tức. Bên cạnh đó, bạn nên ăn sữa chua hằng ngày để bổ sung lợi khuẩn cho hệ vi sinh đường ruột.
Hải My