Hôm 17/8, lợi nhuận của các tàu chở dầu trọng tải siêu lớn đạt gần 40.000 USD một ngày – cao nhất kể từ tháng 6/2020. Giá cước vận chuyển theo biểu cước Worldscale cũng tăng gần 40% chỉ trong vòng một tuần. Các chủ tàu cho biết con số này tăng vọt nhờ số dầu rời đi từ Trung Đông và Mỹ tăng.
Nhu cầu tàu dầu từng giảm mạnh khi các nước cắt giảm sản xuất trong đại dịch. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu từ Mỹ cao kỷ lục và các nước OPEC tăng sản xuất đang một lần nữa làm tăng lượng dầu vận chuyển bằng đường biển. Bên cạnh đó, việc dầu Nga chuyển hướng xuất khẩu cũng làm thay đổi các tuyến vận chuyển, khiến các chuyến đi dài ngày hơn và gây sức ép lên đội tàu toàn cầu.
"Chúng tôi nhận thấy hoạt động đang rất sôi nổi tại tất cả vùng chứa dầu chủ chốt. Giá cước vận chuyển cũng đang tăng nhanh", Lars Barstad – CEO Frontline Management cho biết. Đây là một trong những công ty sở hữu đội siêu tàu dầu lớn nhất thế giới.
"Nguồn cung toàn cầu đang ở thời điểm quan trọng, khi sản xuất tại Mỹ tăng, Mỹ xả kho dự trữ chiến lược và sản lượng tại Saudi Arabia ổn định", ông nói.
Các loại tàu dầu khác vài tháng gần đây cũng ăn nên làm ra. Thị trường cho tàu chở các sản phẩm đã qua tinh lọc hiện sôi động nhất 25 năm. Giá cước các tàu dầu nhỏ hơn cũng tăng, do tác động từ xung đột Nga – Ukraine.
Dù xuất khẩu của Mỹ vẫn còn biến động, số liệu này tuần trước đã lập kỷ lục tại 5 triệu thùng dầu một ngày, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Dầu xuất đi từ Trung Đông cũng tăng mạnh trong tháng 7, theo số liệu theo dấu tàu biển của Bloomberg.
Cổ phiếu các hãng điều hành tàu dầu đang tăng ổn định vài tuần gần đây. Euronav hiện giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, Frontline và International Seaways đang tiến sát đỉnh 2 năm.
Hà Thu (theo Bloomberg)