Sau khi TP HCM cho phép các tài xế giao hàng (shipper) được lưu thông trở lại kèm thêm điều kiện xét nghiệm mỗi ngày ở vùng đỏ và 2 lần một tuần ở vùng xanh, Lazada cho hay đã khởi động lại việc giao hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân.
Sàn thương mại điện tử này cho biết đã giao thành công hàng chục ngàn đơn cho người dân thành phố tính từ ngày 30/8 và con số này dự kiến còn tăng cao trong những ngày tiếp theo. Toàn bộ shipper được chia ca làm việc tách biệt; khai báo y tế và được theo dõi sức khỏe hàng ngày; áp dụng giao hàng không tiếp xúc.
"Việc áp dụng giãn cách xã hội góp phần đáng kể trong công tác phòng chống dịch, nhưng cũng khiến tình hình giao nhận hàng hóa kéo dài, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng. Vì vậy, chúng tôi đánh giá rất cao quyết định cho phép các nhân viên giao hàng hoạt động trở lại ở thời điểm này", ông James Dong, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam & Thái Lan, cho biết.
Theo quan sát của Lazada, người tiêu dùng đang có nhu cầu cao ở 3 nhóm ngành hàng gồm bách hóa - thực phẩm tươi sống; chăm sóc sức khỏe và sách - văn phòng phẩm. Riêng để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm mùa tựu trường, hơn 80.000 sản phẩm sách giáo khoa, sách tham khảo, sách ngoại ngữ; cùng hơn 400.000 sản phẩm dụng cụ học tập đã sẵn sàng mở bán.
Tương tự, chia sẻ với VnExpress, Shopee cho biết cũng đã nối lại hoạt động giao hàng tại tất cả vùng của TP HCM từ 30/8. Đại diện công ty cho hay đã phối hợp với các đối tác vận chuyển để tăng cường số lượng shipper cũng như các trang bị an toàn dành cho đội ngũ này, nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng.
"Lực lượng giao hàng và đối tác giao hàng của chúng tôi cũng đều được trang bị đầy đủ bộ nhận diện thương hiệu cũng như giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 và sẵn sàng để có thể thực hiện công tác giao nhận", đại điện hãng nói.
Trước đó, sau chỉ thị tăng cường giãn cách được áp dụng tại TP HCM từ 23/8, Shopee cho biết vẫn nỗ lực giao được hàng trăm nghìn đơn hàng lương thực, thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu. Cùng với đó, họ cũng bổ sung nhân sự kho bãi, khử khuẩn định kỳ. Đại diện công ty khẳng định hiện sàn này "cam kết thích ứng với mọi điều kiện và đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dùng".
Hai sàn Tiki và Sendo thì cho biết đang tích cực xúc tiến nối lại hoạt động ở vùng đỏ tại TP HCM. Sendo vẫn đang tạm ngừng giao hàng ở vùng đỏ nhưng cho hay sẽ thông tin lại thời gian sớm nhất. Trong khi đó, TikiNOW Smart Logistics - công ty con phụ trách giao hàng của Tiki - đang trong quá trình nối lại hoạt động và sẽ công bố cụ thể khi hoàn chỉnh kế hoạch giao hàng lại.
Tuy nhiên, Tiki cũng bắt đầu triển khai bán thực phẩm tươi sống giao nhanh 3 giờ ở Hà Nội từ 2/9. Bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó tổng giám đốc quản lý sàn thương mại tại Tiki kỳ vọng ngành hàng này, với tên gọi TikiNGON, tại thị trường Hà Nội sẽ đóng góp 30% vào tổng doanh thu. Bà Linh tiết lộ sẽ triển khai ở hai thành phố phía Bắc khác bên cạnh Hà Nội vào cuối năm nay.
Theo báo cáo hàng năm về chuyển đổi số tại Đông Nam Á của Facebook và Bain & Co vừa công bố đầu tuần, doanh số thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 ước đạt 12 tỷ USD. Dự báo đến 2026, con số này sẽ đạt 56 tỷ USD, tức tăng 4,5 lần, vươn lên đứng thứ hai khu vực về quy mô thị trường chỉ sau Indonesia.
Thời gian vừa qua, do các biện pháp giãn cách xã hội tại TP HCM, hoạt động giao hàng của các sàn thương mại điện tử diễn ra chậm chạp. Nhiều người dùng cho biết phải chờ đợi các đơn hàng trong thời gian rất dài, thường hơn một tháng.
Anh Vy (quận 3, TP HCM) đặt đơn thực phẩm ăn vặt như da heo, cơm cháy, bò khô trên một sàn vào đợt "săn sale" ngày 8/8, được thông báo sẽ giao vào 2/9 nhưng đến nay đơn vẫn chỉ mới ở trạng thái "tiếp nhận", tức người bán chưa gửi hàng cho đơn vị vận chuyển. "Tôi nghĩ thực phẩm sẽ có khả năng nhận được nên mới đặt mua, nhưng cũng không ngờ lâu hơn dự kiến", anh Vy nói.
Những khách hàng khách đặt mua các sản phẩm không thuộc nhóm thiết yếu thì đành chấp nhận chờ vô thời hạn. Anh Đỗ (quận 4. TP HCM) cho biết đã đặt mua một máy rửa mặt cách đây 3 tháng nhưng vẫn chưa có khả năng được nhận.
"Biết là không thuộc nhóm thiết yếu nên tôi đành chấp nhận chờ khi nào hết dịch, dỡ bỏ giãn cách hay cho phép giao nhiều loại mặt hàng hơn thì may ra nhận được", anh nói.
Viễn Thông