Tương tự các nhà bán lẻ ngoại tuyến, các sàn thương mại điện tử đang tất bật kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết, nhất là khi thói quen mua sắm online đã thực sự phổ biến hơn qua một năm biến động bởi Covid-19.
Tiki cho biết tăng ít nhất 30% lượng cung hàng hóa của nhóm ngành hàng tiêu dùng so với Tết năm ngoái, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sản phẩm dinh dưỡng, sữa, gia vị...
Sàn đã phối hợp cùng các đơn vị nhà bán chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ 3 tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, thời trang, trang sức..., đến thiết kế và sản xuất bao bì mới, các giỏ quà Tết.
Ở nhóm ngành điện tử - điện lạnh, sàn này nhận lắp đặt cho khách đến 22h tối mỗi ngày để đảm bảo thuận tiện và tiết kiệm thời gian bận rộn cuối năm của người mua.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó tổng Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp của Tiki đánh giá, vì Covid-19, khách hàng vẫn sẽ có xu hướng tận hưởng các hoạt động bên gia đình nhiều hơn. Vì vậy nhu cầu mua sắm cũng sẽ tăng cao, đặc biệt ở những mặt hàng tiêu dùng, tươi sống, điện tử - điện lạnh.
"Chúng tôi tin rằng dịp Tết Âm lịch năm nay sẽ ghi nhận sự bùng nổ về mức độ mua sắm của người tiêu dùng", ông Khánh nói, "Chúng tôi kỳ vọng doanh số của mùa mua sắm Tết Âm lịch sẽ tăng trưởng lên đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái".
Phía Shopee cũng rất lạc quan về nhu cầu sắm Tết online năm nay. Đại diện sàn cho hay có sự gia tăng số lượng hàng hóa cung ứng, đặc biệt các mặt hàng tạp hóa, đồ gia dụng, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp,...
"Nhiều nhà bán hàng, thương hiệu cũng tăng cường triển khai các hoạt động ưu đãi, thúc đẩy mua sắm. Chúng tôi cho rằng thị trường mua sắm online sẽ rất sôi động và dự đoán tăng trưởng trong dịp Tết Tân Sửu 2021", Đại diện Shopee nói với VnExpress.
Đến hiện tại, cả Shopee và Tiki đều cho hay sẽ mở dịch vụ giao hàng xuyên Tết. Shopee đã làm việc với các nhà bán hàng, thương hiệu và các đối tác vận chuyển để triển khai chương trình giao hàng xuyên Tết từ 11/2 đến 16/2. Trong khi đó, dịch vụ giao hàng xuyên Tết TikiNOW sẽ được triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Lazada sẽ giao hàng đến 29 Tết âm lịch và quay trở lại làm việc như bình thường vào mùng 6 Tết.
Đánh giá "dịp cuối năm âm lịch là một trong những thời điểm mua sắm nhộn nhịp nhất năm đối với người tiêu dùng Việt". Lazada đã chạy chương trình ưu đãi sắm Tết ngay từ hôm 19/1 kéo dài đến 28/1. Sàn này cho biết, lượng hàng tham gia vào lễ hội mua sắm lần này tăng gần 2 lần so với năm trước.
Đại diện Lazada đánh giá, năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, người tiêu dùng cũng ưu chuộng mua sắm online nhiều hơn. "Tuy nhiên, họ cũng thể hiện thói quen tiêu dùng thông minh hơn khi chọn săn các ưu đãi tốt, giá tốt nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu thực tế của cá nhân và gia đình".
Báo cáo của Google, Temasek và Brain & Company cho biết, quy mô của thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng nóng với mức 46%, từ 5 tỷ USD vào 2019, lên 7 tỷ USD trong năm ngoái.
"2020 là một năm đầy thử thách và khó khăn. Nhìn chung kinh tế có những ảnh hưởng nhất định vì đại dịch nhưng với thương mại điện tử, năm qua cũng là một năm thành công với chúng tôi", ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, chia sẻ với truyền thông hôm 15/1.
Cũng theo ông Thịnh, nhiều thông số tích cực trên cả thị trường Đông Nam Á đang tạo động lực cho ngành thương mại điện tử tiếp tục tăng cường đầu tư. Như lượng người dùng trên các nền tảng số ban đầu dự kiến phải đến 2025 mới đạt 310 triệu người thì năm 2020 đã cán mố nàyc.
Tăng trưởng thương mại điện tử khu vực đạt 63%. "Trong nguy có cơ, Covid-19 xảy ra là cơ hội cho thương mại điện tử, nên chúng tôi có cơ sở đầu tư nhiều hơn cho 2021", ông Thịnh nói.
Viễn Thông