Không đạt được thoả thuận với bên cho thuê mặt bằng nên từ đầu tháng 3, Công ty Truyền thông Bạch Kim M.V.P vừa phải dừng kinh doanh tại 3 cụm rạp mang thương hiệu Platinum tại các trung tâm thương mại Royal City, Times City và Vincom Plaza Long Biên (Hà Nội). Đây cũng là ba cụm rạp quy mô lớn nhất của Platinum tại thị trường Việt Nam, chiếm khoảng 80% tổng công suất.
Theo dữ liệu từ bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán KDB Deawoo của Hàn Quốc, vào thời điểm doanh thu của CJ CGV - hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam - đạt hơn 50 triệu USD (gần 1.100 tỷ đồng) thì với thị phần đứng thứ 3 thị trường, cụm rạp Platinum Cineplex chỉ đạt khoảng 10 triệu USD. Con số này nhỉnh hơn một chút so với BHD và Trung tâm chiếu phim Quốc gia, nhưng thấp hơn Galaxy Cinema - một thương hiệu của Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân.
Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (operating profit margin) của đơn vị này cũng ở mức thấp nhất so với 6 cụm rạp thống lĩnh ngành công nghiệp điện ảnh nội địa, chỉ khoảng 2%, bằng một phần ba so với đơn vị đứng trên là Lotte Cinema.
Với số liệu năm 2014, tính ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Platinum thời điểm đó chỉ đạt 200.000 USD (hơn 4 tỷ đồng) tức là chưa tới một nửa so với Trung tâm chiếu phim Quốc gia.
Như trường hợp của CJ CGV, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của đơn vị này đạt khoảng 13% (sau thuế dao động trong khoảng 2-10%). Với phần lợi nhuận từ hoạt động chỉ đạt 2% doanh thu, hiệu quả hoạt động sau 5 năm có mặt tại thị trường Việt Nam của Platinum Cineplex được đánh giá là không khả quan, nhất là trong bối cảnh phải liên tục mở rộng, đầu tư để cạnh tranh.
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Hải Đăng - Trưởng Phòng Phát Hành Công Ty Bạch Kim M.V.P cho biết đang hoạt động với 2 mảng chính là chiếu và phát hành phim. Cả 2 đều gặp những khó khăn và rủi ro nhất định.
Đối với mảng chiếu phim, thách thức lớn nhất cho Platinum là chi phí thuê mặt bằng và vận hành tại thị trường Việt Nam khá cao. Vì vậy, dù chỉ hoạt động ở phân khúc tầm trung, chiếm khoảng 10% thị phần nhưng giá vé hiện giờ của Platinum Cineplex cũng chưa tối ưu.
Đối với mảng phát hành phim, Platinum vận hành theo cơ chế mua phim trực tiếp từ các studio sản xuất lớn trên thế giới, trong khi các đơn vị khác tại Việt Nam sử dụng phương pháp ủy thác phát hành hoặc song song cả hai. Với phương thức mua trực tiếp từ các studio, nhà phát hành phim phải đưa ra một mức giá cố định ban đầu và tiếp tục chia một phần lợi nhuận theo tỷ lệ đàm phán nếu có lãi vượt qua giá mua phim. "Đây là một phương pháp rủi ro khi có những phim không đạt mức giá kỳ vọng, đơn vị phát hành sẽ chịu lỗ rất nặng", vị này chia sẻ.
Trong khi đó, nếu sử dụng phương pháp ủy thác, đơn vị phát hành sẽ được chia lợi nhuận nếu đạt định mức theo tỷ lệ phần trăm đàm phán trước. Ngay cả khi không đạt, họ cũng sẽ được một phần lợi nhuận nhất định.
*Những rạp chiếu phim lớn tại Việt Nam
Được thành lập bởi tập đoàn Multivision từ Indonesia - nhà sản xuất, phân phối phim Hollywood, Bollywood có tiếng tại thị trường Đông Nam Á và châu Á, Platinum Cineplex xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ đầu năm 2011. Đến trước tháng 3/2017, thương hiệu này đã có tổng cộng 5 cụm rạp tại Hà Nội và Nha Trang, đồng thời là một trong những hệ thống lớn nhất về số lượng phòng chiếu (34 phòng).
Tuy nhiên, so với nhiều đối thủ nước ngoài khác, Platinum Cineplex hoạt động ở Việt Nam với số vốn quá thấp.
Dữ liệu từ Hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia, Công ty Truyền thông Bạch Kim M.V.P (thuộc Multivision Plus Indonesia) - đơn vị vận hành cụm rạp Platinum Cineplex có vốn điều lệ chỉ 100 triệu đồng, tương đương gần 5.000 USD, trong khi vốn điều lệ của đơn vị đứng đầu thị trường hiện tại như CJ CGV Việt Nam đạt 8 triệu USD.
Hai đơn vị góp vốn là Công ty TNHH Truyền thông Đa Tầm Nhìn (49%) và Công ty PT.Platinum Sinema Internasional (51%). Trong đó, Công ty Truyền thông Đa Tầm Nhìn hiện cũng chỉ có vốn điều lệ 100 triệu đồng, gồm hai đơn vị góp vốn là Công ty TNHH Sản xuất Truyền thông MVP (50%) và PT Tripar Multivision Plus (50%).
Theo một số chuyên gia trong ngành, chi phí đầu tư cho một phòng chiếu tiêu chuẩn khoảng 2-12 tỷ đồng, thậm chí còn có thể lên tới cả triệu USD nếu đầu tư phòng chiếu có quy mô lớn hoặc công nghệ cao. Như với Platinum Cineplex, cụm rạp này ở hai khu đô thị lớn là Royal City và Times City có quy mô đều từ 10 phòng chiếu trở lên, trong đó có những phòng chiếu công nghệ 3D hoặc mô hình Platinum Lounge, với công nghệ âm thanh Dolby Atmos.
Với vốn điều lệ chỉ 100 triệu đồng trong khi để đầu tư mỗi cụm rạp theo tính toán có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nguồn vốn để đơn vị này thực hiện có thể từ vốn vay hoặc nguồn vốn từ công ty mẹ - tập đoàn Multivision của Indonesia.
Đây cũng là lý do lý giải cho việc biên lợi nhuận của Platinum thấp hơn nhiều so với nhiều đơn vị cùng quy mô, khi mà nguồn vốn cho dù từ công ty mẹ cũng phải trả một phần chi phí nhất định.
Minh Sơn - Ngọc Tuyên