Dịp 30/4 năm nay, nhiều đơn vị xuất bản ra mắt sách mới, hoặc tái bản các đầu sách hay về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi ấn phẩm chọn khía cạnh khác nhau về vùng đất phương Nam để khai thác, giúp độc giả hiểu thêm về các góc văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, kinh tế, xã hội... vô cùng phong phú ở thành phố này.
Trong cuốn Sài Gòn, đất và người (Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM), tác giả Nguyễn Thanh Lợi góp nhặt, sưu tầm tài liệu từ rất nhiều nguồn sách báo, tạp chí xưa, từ đó biên soạn lại theo từng đề mục, chủ đề. Nguồn tài liệu cung cấp trong sách được tổng hợp từ các tác phẩm của các tác giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng như: Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam, Trần Bạch Đằng, Trương Vĩnh Ký, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Đình Tư...

Bìa sách "Sài Gòn, đất và người".
Nguyễn Thanh Lợi gắn bó với Sài Gòn qua gần 5 thập niên. Vùng đất với những nét xưa và nay hòa trộn vào nhau tạo thành phong cách riêng cuốn hút và đón nhận mỗi người dân đến với nó. Điều này thôi thúc tác giả không ngừng tìm hiểu về tên đất, tên người, về từng ngôi chợ, từng hàng cây cổ thụ nơi đây.
Sách đưa ra những lý giải cho các câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải người Sài Gòn nào cũng biết, như: Tại sao lại gọi là Thủ Đức? Có hay không những địa danh bị viết sai ở thành phố này, như: Cát Lái, Gò Vấp, Hàng Xanh, An Thít, Rạch Chiếc, Dần Xây, Thanh Đa...? Vì sao lại có địa danh chợ Cây Da Còm, chợ Cây Da Sà...?
Từng trang sách mở ra một đời sống sinh hoạt đa dạng, sôi động của đô thị trẻ. Đất Thị Nghè bên dòng kênh Nhiêu Lộc đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa nơi thành phố này. Thành phố sông nước với cảnh quan "trên bến dưới thuyền" một thời. Những dòng kinh Tàu Hủ, Ruột Ngựa, Lò Gốm, những xóm thủ công nổi tiếng của Sài Gòn xưa... được gợi nhớ. Tập tục, tín ngưỡng cũng là những nét văn hóa riêng của Sài Gòn như chuyện thờ cọp, thờ cá Ông, thờ Bà Chúa Xứ... Qua mỗi bài biên soạn, tác giả không giấu được sự háo hức cùng bạn đọc khám phá thêm về những điều chưa biết.
Một đô thị phát triển không thể thiếu lịch sử hình thành của nó, vì vậy, cuốn Saigon - ba thế kỷ phát triển và xây dựng vừa được tái bản để kể lại câu chuyện về những địa danh, công trình kiến trúc của Sài Gòn. Sách do TP HCM hợp tác với cộng đồng đô thị Lyon và Tổng Lãnh sự Pháp xuất bản lần đầu tiên vào năm 1998, đúng dịp kỷ niệm 300 năm của thành phố. Lần tái bản mới này, sách được những người thực hiện gửi gắm thông điệp rõ ràng về sự cần thiết bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của TP HCM.
Cuốn sách được chia thành bốn mục chính, bao gồm những thông tin và số liệu của Sài Gòn từ những ngày đầu cho đến năm 1859 trong cách lĩnh vực: kiến trúc và qui hoạch đô thị Pháp tại Sài Gòn, quá trình thay đổi từ Sài Gòn đến TP HCM từ sau 1975, và điểm lại những thay đổi quan trọng trong kiến trúc kể từ 1945. Sách còn kèm theo nhận xét của nhà văn Sơn Nam về những di sản của Sài Gòn theo dòng thời gian.

Cuốn "Saigon - ba thế kỷ phát triển và xây dựng" được tái bản theo hai phiên bản Việt - Anh và Việt - Pháp.
Qua ấn phẩm, độc giả được tìm hiểu về 63 địa điểm, kiến trúc quan trọng của thành phố, như: chùa Phước Hải của người Minh Hương, chùa Phước Kiến của Hoa kiều gốc Phước Kiến, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Huyện Sỹ, Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân TP HCM, Kho Bạc Nhà Nước, Tòa Án, Bưu Điện, trường Lê Hồng Phong, trường Nguyễn Thị Minh Khai… Các khu chợ truyền thống Bến Thành, Tân Định… đến những cây cầu gắn liền bao bờ ký ức tuổi thơ của người Sài Gòn cũng được đề cập.
Sách là thành quả của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành ở Pháp và Việt Nam: sử gia Stephane Dovert, nhà nhân chủng học Natasha Paiaudeau, sử gia Philippe Peycam, sử học nghệ thuật Laure Bonduelle, nhiếp ảnh gia Daniel Hung, Tiến sĩ Kiến trúc Lê Quang Ninh, kiến trúc sư Nguyễn Minh Tiến, kiến trúc sư Võ Tứ Quý, Nhà đô thị học Chu Quang Tôn (Viện quy hoạch Grand Lyon, Pháp)…

Bìa sách "30 04 75 - Saigon, sự kiện và đối thoại".
Nhà xuất bản Thế giới phát hành cuốn 30 04 75, Saigon - sự kiện và đối thoại. Ấn phẩm thuật lại các sự kiện lịch sử diễn ra 40 năm trước tại Sài Gòn, thời điểm 30/4/1975. Các câu chuyện trong sách được tác giả Nguyễn Hữu Thái kể lại ở góc độ một nhân chứng. Nguyễn Hữu Thái nguyên là chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964). Ông là người cùng ông Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, và cũng là người cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hát vang ca khúc Nối vòng tay lớn vào trưa 30/4/1975.
Đồng tác giả cùng Nguyễn Hữu Thái là vợ ông - bà Trần Tuyết Hoa - người cũng từng tham gia hoạt động sôi nổi trong phong trào phản chiến, đòi hòa bình, độc lập dân tộc. Ngoài ra, các con của ông bà là Nguyễn Hữu Thái Hòa, Nguyễn Hữu Thiên Nga tham gia trong sách với góc nhìn của thế hệ trưởng thành sau chiến tranh.
Kỷ niệm ngày 30/4, triển lãm sách mang tên "Đất nước thống nhất" được tổ chức tại Thư viện Khoa học Tổng hợp, TP HCM. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Quốc phòng thực hiện. Thời gian diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 1/5. Triển lãm sách trưng bày, giới thiệu khoảng 10.000 đầu sách, tư liệu gắn liền lịch sử một giai đoạn chiến tranh của đất nước. Sách sắp xếp theo hai chủ đề: "Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước" và "Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập". Ngoài khu vực trưng bày còn có các gian hàng của các đơn vị xuất bản - phát hành phục vụ bạn đọc tham quan và mua sách, cùng các hoạt động giao lưu, ký tặng sách. |
Thất Sơn