![]() |
Ngày càng nhiều người tìm đến phòng khám nam khoa. |
Người đầu tiên được y tá gọi vào là một gương mặt non choẹt, "chàng trai" tên P.H.16 tuổi, từng quan hệ với bạn gái hai lần. Cô y tá hỏi: "Khám bệnh lần đầu hay lần thứ mấy?", cậu trả lời bằng giọng yếu xìu: "Lần thứ 2". Triệu chứng mà cậu bé rất ngập ngừng khi "báo cáo" với bác sĩ là thường xuyên bị tiểu buốt sau khi quan hệ.
3 chàng trai trẻ từ miền Tây rủ nhau lên Sài Gòn từ chiều hôm trước, bẽn lẽn khi được hỏi: "Gặp trục trặc gì?". "Đi chung cho đỡ mắc cỡ", một bạn trong nhóm phân bua. Họ là những chàng trai cùng xóm, gặp "khó khăn" chung là thường xuyên bị chứng mộng tinh. Nghe lời khuyên của một ông bố, cả ba khăn gói lên thành phố để khắc phục.
Một đôi vợ chồng từ Campuchia cũng tìm đến bệnh viện khi trời vừa hửng sáng, họ đợi mãi đến 8h mới gặp bác sĩ. Do không nói được tiếng Việt nên những chàng trai này phải dẫn thêm một người phiên dịch. Người chồng bị vô sinh, anh cũng là một bác sĩ có tiếng ở Campuchia, nhưng phải lặn lội sang đây với hy vọng mong manh. Khi bác sĩ yêu cầu "nên phẫu thuật", mặt anh biến sắc, còn khuôn mặt chị vợ lạnh băng. Có lẽ, chị đã quen với những chẩn đoán của bác sĩ. Sau khi đề nghị suy nghĩ thêm về việc phẫu thuật, đôi vợ chồng buồn bã ra về.
Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam, Bệnh viện Bình Dân TP HCM, cho biết: "Những bệnh nhân đến đây thường mang tâm lý e ngại và ít khi nói rõ hết cho bác sĩ. Vì vậy, đôi khi phải dùng những biện pháp tâm lý để có thể biết rõ bệnh tình mà chữa trị. Có nhiều trường hợp đã chạy chữa đủ chỗ, đủ cách, đến khi bệnh đã trầm trọng mới tìm đến đây. Họ thường quá kỳ vọng vào sự kỳ diệu từ bác sỹ dù thực tế khả năng chữa trị chỉ 20-30%". Gặp các trường hợp bệnh nhân không có tinh trùng hoặc tinh trùng yếu, thì hy vọng sẽ có được con cái bình thường khác gì chuyện "trúng số độc đắc".
Điều đáng nói là có khá nhiều "con bệnh" rất ngô nghê về các tin truyền miệng, xuất phát từ việc thiếu hiểu biết mà "hổng biết hỏi ai", nhưng đến bác sỹ thì... ngại quá. Chính vì thế mà nhiều người tuy không có bệnh nhưng lại mang bệnh... tưởng tượng, đặc biệt gặp rất nhiều ở những chàng trai từng có hành vi thủ dâm. Phần lớn số này mang nặng tâm lý mặc cảm, tự ti khi khai bệnh. Thậm chí, có người vì nghe đồn rằng cứ 1ml tinh trùng xuất ra ngoài tương ứng với việc mất đi... nửa lít máu nên lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Anh P.L.M., 28 tuổi (Sóc Trăng), có vợ đã 2 năm nhưng bị trục trặc trong quan hệ vợ chồng, khi được bác sĩ hỏi về tình trạng hiện nay thì anh vò đầu: "Tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình...". Phần lớn các ông vướng vào chuyện "trên bảo dưới không nghe" thường tỏ ra mặc cảm khi đề cập về tình trạng của mình, dù vẻ ngoài của họ vẫn trai tráng mạnh khỏe. Gần cuối ngày, không khí phòng khám bỗng nhộn nhịp hẳn ra khi xuất hiện một người đàn ông trung niên tóc muối tiêu, ăn mặc sang trọng, dáng dấp to béo... Khác với mọi người, ông đến phòng khám như đi dự hội nghị, vừa bước đi vừa nói chuyện điện thoại. Nhưng khi từ phòng khám bước ra thì mặt ông như quả bóng xẹp hơi, trái ngược với lúc vào lê từng bước nặng nhọc. Hóa ra, sau lần "vui một tí" quá trớn, ông đã bị rối loạn cương dương trầm trọng.
Vợ chồng nhà giáo N.N. sau một thời gian dài lục đục vì không có con liền nhất trí tìm đến bác sĩ.
Khi nghe kết luận "anh bị tắc đường dẫn tinh", vợ cổ vũ chồng chữa trị đến nơi đến chốn. Sau một thời gian dài chữa trị, tình hình vẫn không thấy dấu hiệu cải thiện nào. Nóng ruột, vợ chồng anh tìm đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Kết quả mỹ mãn, họ đã sinh được một cặp trai gái theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau 2 năm, bất ngờ vợ chồng vị thầy giáo nọ tìm gặp bác sĩ với câu hỏi to tướng: "Tại sao bây giờ vợ tôi bỗng có thai gần 2 tháng. Thế này là thế nào hả bác sĩ ?". Thì ra, "đường dẫn" đã hết tắc tự lúc nào mà họ không biết. Vợ chồng vỗ vai nhau tiếc hùi hụi vì đã tốn kém khá nhiều tiền cho việc thụ tinh nhân tạo.
Phòng khám nam khoa của bệnh viện có hai mảng điều trị chính: tình dục và vô sinh. Lứa tuổi thường gặp "bất trắc" nhất là từ 20 đến 50 (lứa tuổi hoạt động tình dục mạnh). Ngoài những vấn đề bất thường ở cơ quan sinh dục nam như dậy thì trễ, dương vật nhỏ, dương vật cong và rối loạn giới tính... các bệnh chiếm số đông là rối loạn cương, hiếm muộn, vô sinh nam, xuất tinh sớm và di mộng tinh. Theo số liệu thống kê của phòng khám nam khoa bệnh viện Bình Dân, số người bị bệnh rối loạn cương dương tăng dần trong độ tuổi: 20-39 là cao nhất, kế tiếp là độ tuổi từ 40-49; vô sinh nam chiếm tỷ lệ rất lớn trong độ tuổi 20-39 (gần 50%). Trong độ tuổi hoạt động tình dục mạnh (khoảng 20-39 tuổi) nam giới cần có một chế độ sinh hoạt hợp lý để cân bằng.
Ở phòng khám nam khoa thi thoảng lại thấy xuất hiện... phụ nữ. Những người vợ hộ tống chồng khám bệnh, thường gặp ở các trường hợp hiếm muộn ở người chồng. Khác với bệnh phụ nữ, bệnh đàn ông thường mang nặng yếu tố tâm lý. Để chữa những căn bệnh "riêng tư" này, đôi khi bác sĩ phải nhờ đến liệu pháp tâm lý và sự cộng tác của bà xã hoặc bạn tình. Những người đàn ông bị "trắc trở" trong việc rối loạn cương dương thường lặng lẽ đến gặp bác sĩ và họ chỉ thổ lộ khi nào họ cảm thấy thực sự tin tưởng. Ông V.D.N., 53 tuổi đã có 3 đời vợ và đến đây với thắc mắc: "Với người vợ đầu tôi có 2 con, người vợ thứ hai có 1 con, tại sao bây giờ tôi không thể có con với người vợ thứ ba?". Sau khi xem xét, bác sĩ phán "tinh trùng của anh bị yếu, không thể thụ tinh". Lý do là đôi khi "xài" quá tải mà không có thời gian "dưỡng" thì chắc chắn "pin sẽ yếu".
Trong số những bệnh nhân "có vấn đề" đến "thăm bác sĩ" thì có đến 30% thú nhận việc có quan hệ tình dục không phải với vợ của mình. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân gây nên chứng bệnh bất lực ở nam giới. Khi quan hệ với người không phải là vợ người đàn ông hay bị áp lực tâm lý, sợ sệt và lo lắng về sự không an toàn, về lâu dài dẫn đến sự ức chế về tình dục dẫn đến chứng bất lực.
(Theo Thanh Niên)