Các quỹ đầu tư tư nhân tại Mỹ đang mua lại các công ty bảo hiểm với tốc độ chóng mặt kể từ năm 2014, theo Refinitiv, đơn vị chuyên theo dõi dữ liệu tài chính. Năm ngoái, có 191 thương vụ, đánh bại kỷ lục trước đó là 154 vụ vào năm 2019. Tổng cộng các quỹ đầu tư đã trả 12,1 tỷ USD đến năm 2021 cho các giao dịch này. Con số trên cũng làm lu mờ kỷ lục 9,7 tỷ USD thiết lập trong cả năm 2018, theo Refinitiv.
Vào tháng 2, KKR đã mua 60% cổ phần của Công ty bảo hiểm Global Atlantic với giá hơn 4 tỷ USD. Công ty này đang có hơn 2 triệu người dùng có niên kim cố định và bảo hiểm nhân thọ. Trước đó một tháng, Blackstone đồng ý mua Công ty bảo hiểm nhân thọ Allstate với giá 2,8 tỷ USD. Công ty này đang nắm giữ khối tài sản trị giá 23 tỷ USD của người dùng.
Sixth Street Partners đã công bố một thỏa thuận mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Talcott Resolution, công ty có khối kinh doanh bảo hiểm kế thừa hơn 90 tỷ USD cho khoảng 900.000 khách hàng. Các chủ sở hữu hiện tại của Talcott là một nhóm các quỹ đầu tư tư nhân đã mua lại mảng kinh doanh niên kim của Tập đoàn dịch vụ tài chính Hartford.
Các hợp đồng bảo hiểm hàng năm và bảo hiểm nhân thọ có các khoản phí khác nhau cho người dùng. Các khoản phí đó có thể được nâng lên đến một mức giới hạn nhất định được quy định trong hợp đồng. Các cố vấn tài chính của CNBC lo ngại rằng, những quỹ tư nhân sẽ tăng các khoản phí khác nhau lên giá trị tối đa cho phép.
Larry Rybka, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Akron, Tập đoàn tài chính Valmark, cho rằng "không có gì tốt" trong việc các quỹ đầu tư mua lại công ty bảo hiểm. Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, nhiều quỹ có vốn hóa tốt có thể giúp các chủ hợp đồng nhận về lợi nhuận đầu tư tiềm năng cao hơn trong bối cảnh lãi suất chung đang thấp.
Trong các giao dịch kể trên, không phải quỹ đầu tư tư nhân nào cũng quyết định tăng phí ngay sau khi mua lại công ty bảo hiểm. Đại diện KKR cho biết, quỹ này sẽ "có lợi ích nhất định đối với sự thành công lâu dài của Global Atlantic". Điều này chỉ có thể đạt được thông qua mối quan hệ bền vững, đáng tin cậy với người dùng và tiếp tục cung cấp các sản phẩm cạnh tranh.
Các nhà phân tích cho biết, các công ty bảo hiểm đã bán phần lớn hoạt động kinh doanh do lãi suất thấp liên tục kể từ cuộc Đại suy thoái (2009). Lãi suất thấp tương đương với lợi nhuận thấp hơn trên các trái phiếu làm cơ sở cho danh mục đầu tư bảo hiểm của họ. Điều đó khiến việc giữ tiền mặt cần thiết để thanh toán các quyền lợi bảo hiểm đã tới hạn trở nên khó khăn hơn.
Theo Douglas Meyer, nhà phân tích bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Fitch, việc bán một khối kinh doanh cho phép các công ty bảo hiểm giải phóng vốn để đầu tư vào nơi khác. Charlie Lowrey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Prudential Financial, cho biết công ty này đang xem xét khả năng bán "các doanh nghiệp tăng trưởng thấp" như niên kim và bảo hiểm nhân thọ để giải phóng vốn từ 5-10 tỷ USD.
Các quỹ đầu tư tư nhân có thể tận dụng các nhóm bảo hiểm, phí bảo hiểm của người dùng và các phí hợp đồng khác, như một dòng tài sản đáng tin cậy ổn định. Các nhà phân tích cho biết, có "vốn cố định" giúp các quỹ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào huy động vốn trên thị trường.
KKR đã có thêm 90 tỷ USD tài sản được bảo hiểm bằng việc mua Global Atlantic. Số tiền trên có thể đầu tư vào nhiều loại tài sản hơn và từ đó thu về lợi nhuận cao hơn cho các chủ hợp đồng bảo hiểm, ngoài trái phiếu truyền thống.
Matt Anderson, phát ngôn viên của Blackstone, cho biết: "Chúng tôi tin rằng lợi nhuận của người dùng sẽ cao hơn khi tiền của họ đưa về quỹ đầu tư quản lý, trong khi vẫn duy trì chất lượng tín dụng vững chắc. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người dùng trong môi trường lãi suất thấp này".
Tiểu Gu (theo CNBC)