Tôi hiện đang công tác tại Hà Nội, ngày nào cũng đi đi, về về trên các con phố của thủ đô và chịu cảnh ùn tắc vào giờ cao điểm, vì thế mất rất nhiều thời gian cho việc đi lại.
Cũng giống như mọi người, tôi rất muốn giao thông của Hà Nội được cải thiện từng ngày để mọi người có thể đi lại thuận tiện và an toàn hơn. Tôi xin có một vài ý kiến đóng góp hy vọng có thể phần nào giúp hạn chế được tình hình trên.
Trước tiên, tôi xin trình bày hiện trạng giao thông mà tôi nghĩ mọi người đi đường đều có thể nhìn thấy ngay:
Thứ nhất, khi đến các ngã tư có đèn giao thông. Khi đèn đỏ đếm ngược còn 3 đến 5 giây, mọi người đã bấm còi inh ỏi và bắt đầu cho xe chạy. Như vậy, vô hình trung thì thời gian an toàn (là thời gian chênh lệch giữa đèn xanh và đèn đỏ của 2 chiều di chuyển vuông góc nhau để đảm bảo an toàn) đã bị xóa bỏ và gây nguy hiểm cho người đi đường. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn kiểu như thế này.
Thứ hai, tại một số ngã tư rất hay xảy ra tình trạng tắc đường vào giờ cao điểm, ví dụ ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân... Theo ý kiến chủ quan của tôi, sở dĩ tắc đường là do việc tổ chức giao thông chưa tốt.
Tại các ngã tư này không có đèn xanh, đèn đỏ cho làn rẽ trái. Khi có đèn xanh, xe di chuyển theo hai chiều đều có thể rẽ trái, dẫn đến hiện tượng cản trở di chuyển lẫn nhau giữa làn rẽ trái và làn đi thẳng từ phía đối diện. Giờ cao điểm, có nhiều xe di chuyển thì sự cản trở này tăng lên và dễ trở thành tắc đường nếu các đồng chí CSGT không chú ý.
Thứ ba, tại các ngã tư cầu vượt, cụ thể là ngã tư Lê Văn Lương và Láng, vào giờ cao điểm thì các xe di chuyển trên đường Láng qua ngã tư này mất rất nhiều thời gian (trung bình là 3 nhịp đèn đỏ) và ùn một đoạn khá dài.
Để giải quyết các vấn đề trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Trước tiên, để mọi người không đi khi đèn đỏ còn 3 -5 giây thì cách đơn giản nhất là bỏ đồng hồ đếm ngược đèn đỏ. Mọi người sẽ không biết bao giờ hết đèn đỏ và chỉ bắt đầu đi khi có đèn xanh. Và theo tôi quan sát tại một số ngã tư không có đèn đỏ đếm ngược, mọi người đi rất đúng theo đèn giao thông.
Tuy nhiên thì điều ngược lại không đúng, tức là đèn xanh đếm ngược thì vẫn cần thiết để xe đang di chuyển có thể biết thời gian còn lại để giảm tốc từ từ khi đến ngã tư.
Thứ nhì, về việc tổ chức lại giao thông ở các ngã tư Trần Duy Hưng- Nguyễn Chánh, ngã tư Lê Văn Lương- Nguyễn Tuân… Theo tôi thì việc thêm đèn giao thông cho làn rẽ trái là rất cần thiết.
Để có thể giải quyết bài toán lắp thêm đèn thì tôi xin đề xuất hai phương án có thể tận dụng được các vật tư linh kiện và nguồn lực có sẵn như sau:
Phương án 1: Theo quan sát của cá nhân tôi thì tôi thấy có một số đèn giao thông không quá cần thiết tại một số phố mà có đường nhỏ đâm ra đường lớn (hình thành một ngã 3 nhỏ).
Một ví dụ đó là trên đường Giảng Võ, di chuyển theo hướng từ Đê La Thành về Cát Linh, có một đèn giao thông tại nút giao cắt với phố Núi Trúc đâm ra, theo tôi đèn giao thông theo chiều nay là không cần thiết vì di chuyển theo hướng này không hình thành làn giao nhau. Các xe đi từ Núi Trúc rẽ trái ra Giảng Võ vẫn có thể ghép vào làn đi thẳng một cách dễ dàng.
Trên đường Phạm Ngọc Thạch hoặc Chùa Bộc cũng có một số ngã ba tương tự như vậy. Tại những điểm này, theo tôi có thể chỉ cần một đèn vàng nhấp nháy để cảnh báo người đi đường là có điểm giao cắt với đường nhỏ, tận dụng đèn xanh và đỏ để bổ sung vào những chỗ thiếu như tôi nêu ở trên.
Ngoài ra, tại một số ngã tư mà có đèn đỏ được rẽ phải thì chỉ cần biển báo, không cần thiết dùng đèn xanh để rẽ phải nữa.
Ví dụ như đèn xanh rẽ phải tại ngã tư rẽ từ Lê Văn Lương về Ngã Tư Sở trên đường Láng là không cần thiết), các đèn xanh này sẽ được tận dụng để ghép với các đèn đỏ đếm ngược không sử dụng như ở mục phương án 1 để hình thành thêm một cột đèn giao thông nữa (không cần đèn vàng).
Phương án 2: Việc nối ghép các đèn giao thông này theo tôi là khả thi vì các đèn giao thông bản chất là các thiết bị chấp hành được điều khiển qua cổng I/O của PLC hoặc vi điều khiển. Việc ghép nối chỉ mất một chút thời gian về cơ khí hàn lắp và lập trình lại. Tôi nghĩ việc lắp ghép này là tiết kiệm hơn việc mua mới đèn giao thông.
Cuối cùng, việc tổ chức lại giao thông tại các ngã tư có cầu vượt theo tôi là quan trọng. Các phương tiện di chuyển theo hướng vuông góc với cầu vượt cần được ưu tiên có thời gian đèn xanh là lâu hơn so với hướng cùng chiều cầu vượt.
Tôi vừa trình bày về những suy nghĩ ý kiến của tôi với hy vọng có thể cải thiện phần nào cho giao thông ở thành phố Hà Nội, có thể còn nhiều thiếu sót, rất mong sự đóng góp ý kiến của mọi người để giúp cho thủ đô của chúng ta trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn. Xin cảm ơn.
>> Xem thêm: 'Thưa bộ trưởng, tai nạn giao thông chết nhiều quá'
Bí quyết giúp Nhật giảm tai nạn giao thông |
Chia sẻ bài viết của bạn về giao thông Việt Nam tại đây.