Thông tin trên được đề cập trong văn bản cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo phụ huynh do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi chiều 16/3. Bộ cho biết con số này do Công an TP HCM cung cấp, tính từ đầu tháng đến nay.
Các phụ huynh bị lừa theo cùng một thủ đoạn: người gọi tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế tại trường của học sinh, báo các em bị té ngã hoặc tai nạn.
Đối tượng lừa đảo tạo sự tin tưởng bằng cách nói chính xác tên, tuổi của học sinh, phụ huynh. Sau đó, kẻ lừa đảo chuyển điện thoại cho một người khác, xưng là bác sĩ khoa cấp cứu để trao đổi về tình trạng của học sinh, rồi yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp.
"Do tâm lý lo lắng, nhiều phụ huynh không nghi ngờ và đã chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng mà đối tượng cung cấp", văn bản nêu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết những vụ việc này đã ảnh hưởng tiêu cực, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, sinh viên.
Do đó, Bộ yêu cầu các Sở, trường đại học phối hợp với công an địa phương để phổ biến cho phụ huynh, học sinh, sinh viên biết về chiêu lừa nói trên và các hình thức lừa đảo khác như cho vay tiền nhanh qua ứng dụng điện thoại, sàn giao dịch tiền ảo, bán hàng đa cấp.
Ngoài ra, các đơn vị rà soát việc bảo mật thông tin người học, tránh để kẻ xấu đánh cắp thông tin. Với những trường hợp đã bị lừa, các trường cần vận động nạn nhân cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra để xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả.
TP HCM là địa phương đầu tiên ghi nhận chiêu lừa "chuyển tiền gấp để cấp cứu cho con", sau đó lần lượt xuất hiện tại các tỉnh, thành khác.
Hôm qua, theo báo cáo của Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, hai phụ huynh đã đến trình báo về việc bị lừa 240 triệu đồng, cũng với cách thức tương tự.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Gia Lai đã phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo này.
Thanh Hằng