Ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết các doanh nghiệp, ngân hàng sẽ bị thanh tra hoạt động kinh doanh vàng 4 năm gần đây, trong thời gian 45 ngày.
Theo đó, hai ngân hàng là TPBank, Eximbank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu sẽ bị thanh tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ và thực hiện nghĩa vụ thuế. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.
Cuối tuần trước, đoàn thanh tra được cơ quan này thành lập, có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Phó thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay trường hợp cần thiết có thể mở rộng danh sách đơn vị được thanh tra. Ông yêu cầu đoàn thanh tra làm rõ hành vi vi phạm (nếu có), kiến nghị xử lý theo quy định. Trường hợp đoàn phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, xem xét chuyển sang cơ quan điều tra.
Ông Dũng nói thêm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng quản lý với kinh doanh vàng, phối hợp các cơ quan xử lý hành vi vi phạm. Cơ quan này cũng tiếp tục tăng cung vàng miếng, thu hẹp chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế.
Sau các chỉ đạo từ cơ quan quản lý, giá vàng miếng SJC hạ nhiệt, lùi về quanh ngưỡng 90 triệu đồng, nhưng chênh lệch với thế giới vẫn ở mức cao trên 17 triệu đồng.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Think Future Consultancy cho rằng các biện pháp hành chính, như thanh tra thị trường, hóa đơn điện tử, hay điều tra hành vi thao túng giá sẽ mang tới hiệu quả tức thì để bình ổn thị trường vàng.
Sau các phiên đấu thầu "ế ẩm" vào những lần đầu, Ngân hàng Nhà nước gần đây đã nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu. Việc điều chỉnh này giúp lượng trúng thầu của doanh nghiệp tăng lên. Qua 9 lần gọi thầu, cơ quan quản lý đã tung ra thị trường 48.400 lượng vàng miếng SJC.
Minh Sơn