Theo báo cáo mới nhất của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ba ngân hàng quốc doanh niêm yết gồm Vietcombank, Vietinbank và BIDV đang chiếm khoảng 34% thị phần tín dụng. Tuy nhiên, thị phần của các "Big 4" này đang giảm dần trong những năm qua, nhất là VietinBank.
Tính trong hai năm trở lại đây, thị phần bộ ba này đã giảm 2,74% trong hai năm qua. Ngược lại, nhóm 4 nhà băng tư nhân có vốn hóa lớn nhất là Techcombank, VPBank, MB và ACB đã tăng được gần 1,6% thị phần tín dụng.
Thị phần tín dụng của VietinBank đã giảm 1,96% trong hai năm tính đến cuối quý III/2020. Trong khi đó, thị phần của BIDV giảm 0,7%, thị phần của Vietcombank giảm không đáng kể.
Theo VDSC, việc thị phần của VietinBank bị thu hẹp nhanh chóng là kết quả của nền tảng vốn mỏng. Không có đợt tăng vốn đáng kể trong những năm qua, đi kèm với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thấp, tỷ trọng trích quỹ khen thưởng và phúc lợi cao và thường xuyên phải phân phối lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ ngân sách nhà nước đã làm cạn kiệt bộ đệm vốn. Các quy định chặt chẽ hơn về vốn nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu cũng gây áp lực lên VietinBank.
Khác với các nhà băng có vốn nhà nước khác, tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VietinBank đã về mức tối thiểu 65% trong nhiều năm. Tuy Chính phủ đã đồng ý giảm tỷ lệ sở hữu tối thiểu của nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh từ 65% xuống 51% vào năm 2025, nhưng vẫn chưa có bất kỳ quyết định nào được ban hành để hướng dẫn thực hiện thoái vốn.
Do đó, Nghị định 121 mới được ban hành rất quan trọng đối với các nhà băng quốc doanh, mở ra cơ hội cho các ngân hàng quốc doanh phát hành riêng lẻ, giúp cải thiện nguồn vốn và triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn. Riêng với VietinBank, theo VDSC, nhà băng này cần sớm phát hành riêng lẻ như giải pháp căn cơ nhất để tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 và xa hơn.
Quỳnh Trang