Theo hãng dữ liệu Pitchbook, một năm qua, số tiền các quỹ đầu tư quốc gia tại Trung Đông rót vào các công ty AI (trí tuệ nhân tạo) đã tăng gấp 5. CNBC trích nguồn tin thân cận cho biết MGX - một quỹ đầu tư mới tại UAE - đã tham gia vào phiên gọi vốn tuần trước của OpenAI - công ty đằng sau ChatGPT. Vòng gọi vốn này định giá OpenAI ở mức 150 tỷ USD.
Rất ít quỹ đầu tư mạo hiểm có ngân sách đủ lớn như Microsoft hay Amazon để rót hàng tỷ USD vào các startup. Tuy nhiên, các quỹ quốc gia Trung Đông lại không gặp khó khăn trong việc này. Họ đầu tư thay cho chính phủ - những nước đang hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng vài năm gần đây. Theo Goldman Sachs, tổng tài sản tài chính của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ tăng từ 2.700 tỷ USD năm 2021 lên 3.500 tỷ USD năm 2026.
PIF - quỹ đầu tư quốc gia của Arab Saudi - hiện quản lý 925 tỷ USD tài sản. Quỹ này đang tích cực rót vốn ra toàn cầu, theo sáng kiến "Tầm nhìn 2030" của Thái tử Mohammed bin Salman. PIF đã đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, như Uber, đồng thời chi mạnh tay cho các giải golf và bóng đá chuyên nghiệp.
Quỹ Mubadala của UAE hiện quản lý 302 tỷ USD. Quỹ Đầu tư Quốc gia Abu Dhabi quản lý 1.000 tỷ USD. QIA (Qatar) có 475 tỷ USD, trong khi tài sản quỹ đầu tư quốc gia của Kuwait đã vượt 800 tỷ USD.
Giá năng lượng tăng vọt sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra đầu năm 2022 đã giúp các nước Vùng Vịnh thoát khỏi quá trình suy giảm kinh tế kéo dài gần một thập kỷ. Trước đó, Vùng Vịnh từng trải qua các đợt bùng nổ giá dầu vào thập niên 70, 80 và đầu những năm 2000.
Tuy nhiên, quan điểm về tiêu thụ năng lượng đang thay đổi, đồng nghĩa các chu kỳ tăng khó có thể bền vững. Trong các đợt bùng nổ dầu trước, các nước Vùng Vịnh đã phung phí ngân sách và đầu tư kém hiệu quả. Họ xây dựng hàng loạt, mua thêm vũ khí, phát tiền cho người dân. Đến khi giá dầu giảm, kinh tế lại lao dốc do phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Một thập kỷ gần đây, các nước Vùng Vịnh bắt đầu đa dạng hóa nền kinh tế. Nổi bật nhất là Arab Saudi. Năm 2016, họ công bố Tầm nhìn 2030, với chiến lược tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, giải trí và du lịch. Trong đó, điểm nhấn là xây dựng Neom - một thành phố sinh thái khổng lồ lớn gấp 33 lần New York với một khu nghỉ mát trượt tuyết tên Trojena và những tòa nhà cao nhất trên thế giới.
2 năm qua, AI gây bão trên toàn thế giới, sau khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Cơn sốt này khiến hàng loạt doanh nghiệp tìm cách đổ tiền vào công nghệ mới. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 5 cho biết tổng vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào lĩnh vực AI trên toàn cầu đã lên tới 290 tỷ USD trong 5 năm qua.
Đầu tuần này, quỹ MGX (UAE) tham gia liên minh gồm BlackRock, Microsoft và Global Infrastructure Partners, nhằm huy động tới 100 tỷ USD để đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và hạ tầng khác. MGX mới ra mắt hồi tháng 3, chuyên đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Mubadala (UAE) thì rót tiền vào Anthropic - đối thủ cạnh tranh của OpenAI. Quỹ này là một trong những nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất, với 8 giao dịch AI trong bốn năm qua, theo Pitchbook.
Quỹ PIF của Arab Saudi cũng đang đàm phán để lập liên minh trị giá 40 tỷ USD với công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz (Mỹ). Nước này cũng đã ra mắt một quỹ chuyên rót tiền vào AI có tên SCAI.
Không chỉ Trung Đông rót tiền vào lĩnh vực này. Quỹ đầu tư quốc gia Pháp Bpifrance đã ký kết 161 giao dịch về AI và máy học trong 4 năm qua. Temasek của Singapore cũng hoàn tất 47 thỏa thuận, theo Pitchbook. GIC, một quỹ khác của Singapore, đã thực hiện 24 giao dịch.
Dù vậy, lượng tiền mặt lớn đổ vào khiến một số nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon lo ngại về hiệu ứng SoftBank, ám chỉ Quỹ Tầm nhìn của tỷ phú viễn thông Masayoshi Son (Nhật Bản). SoftBank hậu thuẫn Uber và WeWork, đẩy định giá của các công ty này lên mức cao ngất ngưởng trước IPO. Tuy nhiên, WeWork năm ngoái đã nộp đơn xin phá sản, dù từng được SoftBank định giá 47 tỷ USD năm 2019.
Hà Thu (theo CNBC, Reuters)