Nhật kỳ vọng có thể giải quyết các thách thức còn lại, trong đó có lo ngại của Canada về vấn đề sản phẩm và dịch vụ văn hóa, nhằm hoàn thành mục tiêu ký TPP mới không Mỹ vào tháng 3. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Toshimitsu Motegi cho biết: "Các cuộc đàm phán đã bước vào giai đoạn cuối. Tôi kỳ vọng sẽ có tiến triển theo hướng có thể ký kết và thực hiện hiệp định".

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản - Toshimitsu Motegi (phải) trong buổi họp hôm nay. Ảnh: Nikkei
Sau khi Mỹ rút lui đầu năm ngoái, 11 nước còn lại trong TPP (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã đạt thỏa thuận về tên gọi mới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 11. Các nước đã thống nhất được những vấn đề cốt lõi của hiệp định này theo hướng giữ nguyên nội dung của TPP, nhưng vẫn còn một số cần đàm phán thêm.
*Sự khác nhau giữa TPP và CPTPP
Canada đến nay vẫn giữ quan điểm không vội vã ký TPP mới và muốn có ngoại lệ để bảo lệ văn hóa nói tiếng Pháp tại nước này. "Tác động kinh tế tổng thể của CPTPP sẽ bị thiệt hại rất lớn, nếu Canada quyết định trì hoãn việc tham gia", Rajiv Biswas - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit nhận xét.
Sau khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump rút nước này khỏi TPP, Nhật Bản đã đóng vai trò lãnh đạo, thúc đẩy các nước còn lại đi đến một hiệp định thay thế. Cùng với Australia và Mexico, Tokyo đã vận động hành lang rất tích cực cho mục tiêu này. Nếu được thực thi, hiệp định có thể giúp gỡ bỏ rào cản thương mại giữa các nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 356 tỷ USD năm 2016.
Hà Thu (theo Japan Today/Reuters)