Ngày 15/1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ), với chủ đề Tái thiết Niềm tin. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ sau đại dịch Covid-19, với sự tham dự của gần 100 lãnh đạo cấp cao các nước và tổ chức quốc tế, khoảng 3.000 lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu.
Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phức tạp, như khối nợ gia tăng và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương có sự chuyển biến.
Theo Giám đốc điều hành WEF Jeremy Jurgens, bối cảnh này sẽ chi phối toàn bộ chương trình nghị sự năm nay. "Chúng tôi dự báo tăng trưởng toàn cầu 2024 đạt 2,9%. Ít nhất thì kinh tế cũng đang đi lên. Nhưng lẽ ra, tốc độ này đã có thể cao hơn", ông cho biết.
Jurgens nói rằng có hai khu vực ghi nhận sự tăng vọt về thành viên tham gia diễn đàn đợt này, là Mỹ Latin và châu Á. Điều đó thể hiện "sự chuyển dịch lớn trong kinh tế toàn cầu".
Trên Reuters, một quan chức WEF cho biết khoảng 530 lãnh đạo các doanh nghiệp trong mảng ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư dự kiến tham dự hội nghị. Một cuộc họp kín ngày 17/1 sẽ có sự tham gia của hơn 100 chủ tịch và CEO các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính. Phiên họp này sẽ tập trung vào chủ đề quản lý rủi ro trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, bất ổn về kinh tế vĩ mô và nhiều công nghệ mới xuất hiện.
Giới phân tích nhận định các doanh nghiệp đang đối mặt với môi trường phức tạp. Tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong bối cảnh nhiều nền kinh tế còn vật lộn với lãi suất cao, rủi ro chính trị và hậu quả của đại dịch.
"Hội nghị lần này rất quan trọng. Các vấn đề cần giải quyết cấp bách là biến đổi khí hậu, căng thẳng chính trị, tiến bộ công nghệ và lo ngại về kinh tế", Chủ tịch toàn cầu Deloitte Anna Marks cho biết trong một email. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo một năm qua được dự báo có thể thay đổi triển vọng kinh tế toàn cầu.
Hai cuộc chiến lớn và khủng hoảng vận tải biển cũng đồng nghĩa các cuộc thảo luận năm nay sẽ rất sôi động. Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende cho biết trọng tâm của hội nghị lần này sẽ là các cuộc thảo luận cấp cao về chiến sự tại Trung Đông, Ukraine và châu Phi. "Chúng tôi muốn đưa những người liên quan đến gần nhau hơn, để xem chúng ta có thể giải quyết các vấn đề đầy thách thức này như thế nào", ông nói.
Với một số người, hội nghị năm nay mới thực sự quay về các chủ đề trong dài hạn. Karen Harris - Giám đốc Macro Trends Group thuộc Bain & Company - nhận định sự kiện các năm trước đều chịu ảnh hưởng đại dịch.
"Đây là kỳ WEF đầu tiên sau vài năm, chúng ta có thể thực sự tập trung vào việc thập kỷ tới sẽ mang đến những gì, thay vì nói về phục hồi kinh tế hay chu kỳ kinh doanh", Harris cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng của WEF. Thủ tướng cũng sẽ chủ trì nhiều tọa đàm, tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.
Hà Thu (theo Reuters, CNN)