Khi cổ phiếu của hàng loạt công ty hàng không và năng lượng như Boeing, Airbus, EnI, BHP... lao dốc vì đại dịch, chính phủ các nước lo ngại đây là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Trung Quốc, theo SCMP.
E ngại các nhà đầu tư Trung Quốc nhắm đến các doanh nghiệp chủ chốt khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chính phủ nhiều nước đã đẩy mạnh kiểm soát đầu tư nước ngoài trong thời gian này, thậm chí cân nhắc mua cổ phần của các công ty chiến lược.
Bà Margrethe Vestager, Uỷ viên của Liên minh châu Âu, nói rằng các nước châu Âu nên cân nhắc mua cổ phần của công ty chủ chốt để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc. Ở châu Âu, cổ phiếu của nhiều hãng công nghệ cũng bị sụt giảm vì đại dịch. "Rủi ro đối với các doanh nghiệp bị tổn thương là họ trở thành đối tượng của các thương vụ thâu tóm", bà nói.
Gần đây, Uỷ ban châu Âu ban hành hướng dẫn về đầu tư nước ngoài cho các thành viên nhằm bảo vệ tài sản, đặc biệt là lĩnh vực y tế, nghiên cứu y tế, công nghệ sinh học và cơ sở hạ tầng.
Chính phủ các nước châu Âu đang thắt chặt biện pháp khi giá cổ phiếu sụt giảm và nhiều công ty "bị tổn thương" vì đại dịch. Italy, Đức, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng đang cẩn trọng khi quỹ đầu tư của chính phủ Saudi Arabia nắm được cổ phần tại các đại gia năng lượng châu Âu Equinor AS A, Eni Sp A và Royal Dutch Shell PLC.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tuyên bố tăng cường bảo vệ, ngăn chặn các vụ thâu tóm nước ngoài nhắm đối phó với sự hỗn loạn kinh tế do Covid-19 gây ra.
Trên thực tế, khi Bắc Kinh ngày càng thể hiện mạnh mẽ tham vọng toàn cầu về phát triển công nghệ và quân sự dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những khoản đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược đã trở thành vấn đề nhạy cảm ở phương Tây từ nhiều năm nay.
Chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở Mỹ và châu Âu trong vài năm gần đây khi Donald Trump và các chính trị gia ở Mỹ, Pháp và Đức liên tục tìm các công cụ để ngăn chặn bàn tay thâu tóm của các công ty nước ngoài.
Hunter Hunter, người từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói rằng, đại dịch lần này đã phơi bày những "điểm yếu" của nền kinh tế toàn cầu. Nó nhắc nhở các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới rằng các quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, từ các sản phẩm tưởng chừng đơn giản nhưng thiết yếu như mặt nạ đến thuốc men. Nó cũng cho thấy các nền kinh tế gắn bó với Trung Quốc qua các chuỗi cung ứng. Nhận thức về những lỗ hổng này sẽ ảnh hưởng đến cách các chính phủ nhìn vào đầu tư nước ngoài từ tất cả các khu vực, đặc biệt là Trung Quốc.
Trưởng bộ phận M&A của UBS Group AG, ông Paz-Galindo cho biết, khi cuộc sống có dấu hiệu trở lại bình thường ở Trung Quốc và một số nước châu Á, các doanh nghiệp đang bắt đầu xem xét đầu tư vào châu Âu trong bối cảnh thị trường suy thoái. Tuy nhiên, sự giám sát thêm chặt chẽ từ chính phủ các nước có thể khiến một số thương vụ bất khả thi.
Quỳnh Trang (FT, SCMP, WSJ).