Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc lưu ý việc phát hiện các ổ dịch là cần thiết trong thời thời gian này và hạn chế trao đổi buôn bán gia cầm.
Bộ trưởng nông nghiệp Indonesia, Suswono đã ký quy định hạn chế nhập khẩu gia cầm từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn lây lan dịch cúm H7N9. Đây là một biện pháp tạm thời. Ông Suswono cho biết sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại nếu như Trung Quốc công bố kiểm soát thành công loại virus cúm này.
Các quan chức tại Hong Kong cũng tăng cường giám sát tất cả gia cầm nhập khẩu. Chúng đều được xét nghiệm virus H5N1 cũng như H7N9 trước khi lưu hành trên thị trường.
Bên cạnh đó, Hong Kong cũng đẩy mạnh giám sát chặt chẽ các trại nuôi gà, tiêm chủng, tiêu hủy gà và ngừng nhập khẩu gia cầm sống từ Trung Quốc.
Các nhân viên Hong Kong xét nghiệm gia cầm từ Trung Quốc trong tình hình dịch cúm H7N9 đang lan nhanh. |
Tại Singapore, đảo quốc này không cho phép nhập khẩu gia cầm Trung Quốc từ năm 2004. Cơ quan thú y và thực phẩm nông nghiệp Singapore (AVA) hiện cũng đưa ra một số biện pháp phòng ngừa dịch cúm H7N9.
Để đảm bảo an toàn, gia cầm sống chỉ được nhập khẩu khi các nông trại, cơ sở sản xuất được AVA công nhận và phê duyệt kèm với các yêu cầu an ninh sinh học.
Ở Nga, lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát lượng nhập khẩu thịt gà từ Kyrgyzstan. Hầu hết thực phẩm gia cầm nhập vào Kyrgyzstan đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Malaysia đã nhập 4.806 tấn gà hàng năm từ phía Bắc Trung Quốc.Theo Bộ trưởng nông nghiệp Malaysia, lượng nhập khẩu này đến từ những khu vực không bị nhiễm dịch cúm H7N9. Ngoài ra, tất cả sản phẩm được đông lạnh nên nguy cơ nhiễm virus rất thấp. Tuy nhiên, ông cũng yêu cầu nông dân báo cáo ngay cho chính quyền sở tại nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào khả nghi.
Mai Phương tổng hợp