Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hạ cấp đánh giá về Covid-19, cho biết căn bệnh không còn là trường hợp khẩn cấp toàn cầu (PHEIC), ngày 5/5. Theo các chuyên gia, quyết định mới chủ yếu là một công cụ thông báo dịch bệnh không còn là mối đe dọa lớn như ba năm qua.
Dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp đã kết thúc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nCoV vẫn tồn tại, hàng nghìn người có thể tử vong mỗi tuần. Còn tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp của WHO, nói Covid-19 vẫn là mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng. Virus tiếp tục tiến hóa, trong khi đó thế giới còn những lỗ hổng về y tế, xã hội.
"Chúng tôi chắc chắn virus sẽ tiếp tục lây truyền, đây là quy luật của đại dịch. Trong hầu hết trường hợp, đại dịch này chỉ thực sự kết thúc khi đại dịch tiếp theo bắt đầu", ông nói.
Ông Ryan dự đoán các ca mắc sẽ tiếp tục tăng vào mỗi mùa đông ở Bắc bán cầu, giống như bệnh cúm hoặc bất kỳ bệnh theo mùa nào khác. Đồng thời, ông không loại trừ khả năng các biến chủng mới của nCoV có thể xuất hiện trong mùa hè, khiến số ca nhiễm tăng đột biến.
Giới chức các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng cảnh giác sau quyết định của WHO. Hôm 6/5, chính quyền đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) kêu gọi người dân tiếp tục bảo vệ bản thân bằng cách tiêm vaccine, đặc biệt với nhóm nguy cơ cao.
Nhấn mạnh trận chiến còn chưa kết thúc, cố vấn đại dịch của chính quyền, Giáo sư Lau Yu-lung từ Đại học Hong Kong (HKU) cho biết nên duy trì các biện pháp dập dịch như kiểm tra mức nCoV trong nước thải sinh hoạt, thu thập dữ liệu ca nhiễm từ các bệnh viện công và phòng khám tư nhân.
"Chúng ta không thể đi từ thái cực này đến thái cực khác, từ sợ hãi đến nằm im và không làm gì cả", ông nói, đồng thời kêu gọi người dân tiếp tục sống bình thường, nhưng không chủ quan, chú ý vệ sinh cá nhân.
Các chuyên gia Malaysia có quan điểm tương tự về quyết định gỡ tình trạng khẩn cấp của WHO. Theo tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, cựu giám đốc Cơ quan Y tế Quốc gia, nước này cần củng cố, tăng cường đầu tư cho hệ thống y tế trên khắp cả nước, đặc biệt nguồn nhân lực y tế cộng đồng. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ việc đeo khẩu trang khi có triệu chứng, xét nghiệm và cách ly kịp thời; rửa tay và sát khuẩn thường xuyên.
"WHO đã thông báo chấm dứt tình trạng khẩn cấp về Covid-19 toàn cầu. Nhưng tại địa phương, chúng ta nên duy trì những việc làm cần thiết, tương tự với bất cứ mầm bệnh truyền nhiễm nào khác. Quan trọng hơn, mọi quốc gia cần tăng cường giám sát, củng cố hệ thống y tế, đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng", ông nói.
Tiến sĩ Abdullah khuyến cáo rủi ro với nhóm dân số dễ tổn thương vẫn còn hiện hữu. Do đó, người già, người có bệnh nền, miễn dịch suy yếu nên tiêm vaccine để cải thiện khả năng chống chọi.
Bộ Y tế Philippines (DOH) cho biết sẽ triệu tập các thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Liên ngành Quản lý Bệnh truyền nhiễm mới nổi để thảo luận và đánh giá lại chính sách Covid-19. Các động thái tiếp theo của đất nước cần phù hợp với tuyên bố của WHO và có sự chấp thuận của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.
Tiến sĩ Rontgene Solante, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của chính phủ, cảnh báo việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn cầu không có nghĩa Covid-19 đã kết thúc. Ông kêu gọi tiếp tục sử dụng các biện pháp hạn chế dịch bệnh như xét nghiệm, giám sát gene virus, chuẩn bị cơ sở hạ tầng y tế, tiêm chủng cho nhóm dân số dễ tổn thương và nguy cơ cao mắc bệnh.
"Vẫn có ca nhiễm, tử vong và biến chứng liên quan đến Covid-19. Các quốc gia được khuyến cáo tiếp tục đưa ra các chính sách bảo vệ người dân, ngăn chặn sự gia tăng ca mắc và tử vong", Solante cho biết.
Khác với các quốc gia trong khu vực, Indonesia sẵn sàng chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Nước này đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi Covid-19 từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu, Bộ trưởng Y tế Mohammad Syahril cho biết, hôm 7/5.
Bộ Y tế nước này hoan nghênh quyết định của WHO, song lưu ý người dân vẫn phải tuân thủ quy định chống dịch. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chương trình tiêm vaccine tăng cường để bảo vệ cho người có nguy cơ cao.
"Các ca nhiễm vẫn tồn tại xung quanh chúng ta, nên mọi người phải hết sức cảnh giác. Người già và người có bệnh nền có nguy cơ cao nhất, vì vậy cần duy trì chương trình tiêm chủng", ông Syahril nói.
Chiến lược mới của Indonesia bao gồm giám sát sức khỏe trong cộng đồng, chuẩn bị các cơ sở y tế, đảm bảo có sẵn thuốc men, thiết lập chính sách y tế và an ninh quốc gia để ngăn chặn khả năng bùng dịch trong tương lai.
Thục Linh (Theo SCMP, Antara News, Manila Times)