Bài toán giảm tác hại của thuốc lá ngày càng được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao. Tại khảo sát do VnExpress tổ chức kéo dài đến cuối tháng 6, có gần 5.000 người đã tham gia với trên 90% quan tâm đến một giải pháp giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá.
Về việc cai thuốc lá, tại Anh, Tổ chức Y tế công cộng nước này sắp tiến tới kỷ niệm 10 năm triển khai chiến dịch "Stoptober", khuyến khích người hút thuốc dừng hút thuốc lá trong 28 ngày vào tháng 10 hàng năm. Tại Anh, hiện có khoảng 7,2 triệu người hút thuốc và 78.000 người tử vong mỗi năm vì cách bệnh liên quan đến thuốc lá. Theo một thống kê năm 2019, chiến dịch Stoptober đã giúp 1,9 triệu người nước này cai thành công.
Tại Nhật Bản, nhiều thành phố áp dụng quy định hạn chế việc hút thuốc lá điếu ngoài trời nhằm giảm thiểu nguy cơ gây cháy nổ, ảnh hưởng mùi và khói. Luật Nâng cao sức khỏe; Luật An toàn và Sức khỏe công nghiệp đặt ra trách nhiệm chủ cơ sở, doanh nghiệp bảo vệ cá nhân khỏi tác động của việc hút thuốc thụ động. Việc hút thuốc trong nhà bị cấm tại trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước...
Ở New Zealand, cơ quan Tăng cường sức khỏe phối hợp với Bộ Y tế xây dựng một website chuyên dụng, giải thích về các hình thức giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá. New Zealand cũng mới sửa đổi luật về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, sao cho yêu cầu "ngăn chặn những người chưa từng hút thuốc (đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên) tiếp xúc sản phẩm này" và "hỗ trợ người hút thuốc chuyển sang các sản phẩm được kiểm soát, ít gây hại hơn".
Nói về những xu hướng quốc tế nói trên, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới triển khai các giải pháp thay thế thuốc lá đốt cháy như: miếng dán nicotine, kẹo ngậm nicotine, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới... để giúp giảm thiểu tác hại.
"Hiện tại nhiều cơ quan quản lý y tế ở Mỹ, Anh, Nhật Bản... đồng ý rằng các sản phẩm này giảm thiểu tác hại phần lớn so với hình thức truyền thống", bác sĩ Lê Đình Phương nhấn mạnh.
Nhật Bản không cấm việc hút thuốc lá làm nóng ở ngoài trời như đối với thuốc lá điếu đốt cháy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các sản phẩm này vô hại và được khuyến khích sử dụng sai mục đích vì bản chất chúng vẫn chứa nicotine gây nghiện cùng các hợp chất gây hại, mang nhiều nguy cơ.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K nhận định cần có giải pháp giảm tác hại cho họ. "Đối với những người không thể cai, chúng ta cần giải pháp khả thi hơn. Cần nhớ, thuốc lá hay sản phẩm thay thế đều có hại cho sức khỏe và những giải pháp này cần được cho phép và phải quản lý chặt chẽ", ông nói.
Trong báo cáo của Frost & Sullivan (Mỹ), vai trò của thuốc lá thế hệ mới trong chính sách y tế cộng đồng vẫn còn nhiều tranh cãi về tác động ngắn hạn lẫn dài hạn. WHO lo ngại về vấn đề thiếu dữ liệu dài hạn về tác động của loại hình này đến sức khỏe hay khả năng thanh thiếu niên chưa từng hút thuốc, tiếp cận với sản phẩm này rồi chuyển sang hút thuốc điếu. Tại Australia và Singapore, kinh doanh sản phẩm này vẫn chưa được cho phép. Tại Việt Nam, chưa có chính sách cụ thể dù từ năm 2017 Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, nghiên cứu quy định phù hợp để quản lý thuốc lá điện tử.
Cũng tại Việt Nam, trước thực trạng phần lớn người hút thuốc chưa thể bỏ ngay dù đã thực hiện nhiều biện pháp từ tuyên truyền đến bắt buộc. Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP HCM nhấn mạnh, cần đưa vấn đề tác hại của thuốc lá (chủ động và thụ động) vào giáo trình giảng dạy cho độ tuổi tiểu học (hiện nay lứa tuổi được tiếp xúc sớm nhất là trung học).
"Giáo dục càng sớm sẽ càng tạo cơ hội tránh xa mọi loại thuốc lá. Các em còn có thể đóng vai trò người tuyên truyền, tư vấn để người thân trong gia đình từ bỏ. Nếu nhân rộng mô hình này, tôi nghĩ tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam có thể giảm xuống", bác sĩ Trần Văn Ngọc nói.
Nỗ lực kể trên nhằm giảm tác hại của thuốc lá gây ra cho người hút và cộng đồng. Bác sĩ Trần Văn Ngọc cũng cho biết, thuốc lá là thủ phạm khiến nhiều người tử vong, mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư tim mạch... Nguyên nhân gây bệnh đến từ hàng nghìn chất độc hại có trong khói thuốc.
Lê Minh