- Chính phủ Nhật Bản thông báo họ đã ra lệnh ngừng nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc, nơi 54.000 trẻ em bị sỏi thận và một số bệnh khác do uống sữa bột nhiễm melamine. Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản, công ty Marudai Food đã thu hồi bánh sữa nhân kem, bánh bao nhân thịt và bánh tráng ngô phết kem từ các siêu thị sau khi các xét nghiệm cho thấy nhiều sản phẩm nhiễm melamine.
- Tại Hong Kong, nhà chức trách phát hiện melamine trong bột ngũ cốc dành cho trẻ em Heinz và khoai tây chiên Silang House vào ngày 26/9. Hai sản phẩm đều được sản xuất tại đại lục. Chính quyền Hong Kong kêu gọi nhà sản xuất ngừng bán các sản phẩm này.
- Chính quyền Ma Cao phát hiện bánh quy Koala's March của công ty Lotte China Foods có hàm lượng melamine cao gấp 24 lần mức cho phép. Lotte China Foods là công ty con của tập đoàn Lotte tại Nhật Bản.
- Một số siêu thị tại Hong Kong ngừng bán bánh quy chocolate từ ngày 26/9 sau khi nhận được thông báo của Ma Cao. Sữa bột là một trong những nguyên liệu trong thành phần của bánh quy.
- Tại Hàn Quốc, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm ra lệnh thu hồi bánh quy Misaraing Custard do loại bánh này nhiễm melamine.
- Kẹo Thỏ trắng, một trong những nhãn hiệu nổi tiếng nhất của Trung Quốc và được nhiều thế hệ ở nước này ưa thích, đã bị ngừng bán tại Anh, Peru, Mexico và nhiều nước châu Á cho đến khi có kết quả xét nghiệm melamine.
- Giới chức Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, ba trẻ em uống sữa bột từ Trung Quốc đã mắc sỏi thận. Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xem căn bệnh của các em có liên quan tới melamine hay không. Mẹ của một trong ba bệnh nhi cũng bị sỏi thận.
![]() |
Francisco Duque, Bộ trưởng Y tế Philippines, kiểm tra các sản phẩm sữa của Trung Quốc trong một siêu thị tại thủ đô Manila vào ngày 25/9. Ảnh: AP. |
- Ngày 25/9, Liên minh châu Âu ra lệnh cấm nhập khẩu những sản phẩm dành cho trẻ em có thành phần sữa Trung Quốc. Trước đó vài ngày, Hàn Quốc cũng ra quyết định tương tự.
- Sữa và các sản phẩm từ sữa của Trung Quốc đang bị thu hồi và cấm bán tại các nước và vùng lãnh thổ sau: Bangladesh, Brunei, Burundi, Canada, Colombia, Pháp, Gabon, Indonesia, Nhật Bản, Kenya, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Suriname, Đài Loan (Trung Quốc).
- Bangladesh ra lệnh kiểm tra toàn bộ sản phẩm sữa từ Australia, Đan Mạch, New Zealand và một số nước khác.
- Malaysia, nước cấm nhập khẩu các sản phẩm sữa của Trung Quốc từ thập niên 90 do lo ngại bệnh lở mồm long móng, tiến hành xét nghiệm tất cả thực phẩm bị nghi nhiễm melamine từ Trung Quốc.
- Indonesia, Mỹ, Australia, Hà Lan tăng cường các biện pháp kiểm tra thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
- Burundi, Gabon và Tanzania cấm nhập khẩu sữa từ Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế khẳng định một lượng nhỏ melamine không gây nên bất kỳ mối nguy nào đối với sức khỏe con người, nhưng nếu xâm nhập vào cơ thể với lượng lớn, hóa chất công nghiệp này có thể gây sỏi thận và vôi hóa ống tiết niệu. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn mắc bệnh nhất.
Ngày 26/9, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng chính phủ các giải pháp cấp bách để đối phó với các loại sữa nhiễm độc tại VN, bao gồm: - Dừng việc cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn đối với các sản phẩm của 22 công ty sữa của Trung Quốc kiểm tra mẫu có chứa melamine; tiêu hủy toàn bộ sản phẩm của 22 công ty này nếu đã nhập khẩu vào Việt Nam. Biện pháp này cũng được áp dụng nếu các doanh nghiệp khác bị phát hiện có sản phẩm chứa melamine. - Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh sữa phải xuất trình phiếu kiểm nghiệm không có melamine trong từng lô sản phẩm được nhập khẩu vào VN. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý của VN có thể lấy mẫu kiểm nghiệm lại đối với chất này. - Tập trung kiểm tra các nguồn cung ứng của các nhà sản xuất, nhập khẩu, sản phẩm sữa xuất xứ từ các nguồn trên thế giới. Thu hồi và tiêu hủy sữa và các sản phẩm có nguyên liệu từ sữa không có nguồn gốc rõ ràng. - Có các biện pháp phòng, chống khả năng sữa có chất melamine vận chuyển qua đường tiểu ngạch tại các đường biên giới Trung Quốc. - Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện nhi trên toàn quốc trong quá trình khám chữa bệnh cần tập trung khai thác tiền sử sử dụng sữa, để phát hiện các cháu có dấu hiệu mắc bệnh do sữa nhiễm melamine. |
Việt Linh (theo AP)