Ngân sách của World Cup 2018 đạt mức kỷ lục 791 triệu đôla, trong đó 580 triệu đôla được chia cho 32 đội bóng, tùy vào thành tích. Nhà vô địch sẽ bỏ túi 50 triệu đôla còn á quân cũng nhận tới 40 triệu đôla. Mỗi nước tham dự đều có tiền thưởng 1,5 triệu đôla. Nếu bị loại ở vòng bảng, họ cũng có thể mang về tám triệu đôla.
World Cup 2018 là lần đầu tiên sau 60 năm, Italy mới vắng mặt. Giọt nước mắt của Gigi Buffon kết thúc cho kỷ nguyên bóng đá thành công của nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu. Tờ La Stampa ước tính Italy sẽ lỗ khoảng 120 đến 240 triệu đôla tiền bản quyền truyền hình, quảng bá, du lịch và bán hàng.
Các đài truyền hình Italy dự định trả 240 triệu đôla bản quyền phát sóng nếu Italy vào đến VCK. Nhà tài trợ áo đấu - Puma - cũng sẵn sàng đầu tư 24 triệu đôla. Ngành cá độ bóng đá của Italy có thể sẽ mất 168 triệu đôla, còn quán bar, nhà hàng cũng sẽ lỗ tới 84 triệu đôla. Các đài truyền hình cũng thiệt khoảng 12 triệu lượt xem cho mỗi trận đấu Italy góp mặt, với tỷ suất xem có khi lên tới 81%.
Đài Fox đã phải trả 400 triệu đôla để sở hữu bản quyền World Cup 2018 trên đất Mỹ, trước khi biết tin đội nhà không thể vượt qua vòng loại. Đây là số tiền bản quyền lớn nhất lịch sử giải đấu. Telemundo cũng dốc hầu bao 600 triệu đôla để sở hữu độc quyền phát sóng ở các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.
Bóng đá góp 1% cho GDP và 85.000 việc làm ở Tây Ban Nha. Tại Hà Lan, ngân hàng ABN Amro khẳng định nếu "Cơn lốc cam" thắng một trận tại World Cup, GDP quốc gia sẽ tăng 0,7%. Chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, nhưng một chiến thắng có thể đáng giá 480 triệu đôla dựa trên doanh thu truyền hình, quảng cáo hay du lịch.
"Thành công ở World Cup sẽ giúp một đất nước có ảnh hưởng lớn hơn trên bình diện quốc tế. Đó là lợi nhuận quảng bá không thể đong đếm", Juanfer Calderin - tư vấn truyền thông của tờ The Queen nói.
Xuân Bình (theo Marca)