Tại họp báo quý 1 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chiều 12/4, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã chỉ ra những tác động của tour 0 đồng.
Theo đó, tour 0 đồng thực chất là tour giá rẻ. Hình thức kinh doanh này vẫn tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. Vào mùa thấp điểm, những tour này lại góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, duy trì hiệu suất khai thác của chuỗi các dịch vụ tại điểm đến
Ông Tuấn dẫn chứng, chỉ riêng nguồn thu từ phí visa, vé tham quan vịnh Hạ Long từ khách Trung Quốc đường bộ ước khoảng 330 tỷ đồng/năm, chưa tính các chi phí lưu trú, ăn uống, vận chuyển... Doanh thu từ khách du lịch đường bộ đã đóng góp phần lớn vào doanh thu từ khách du lịch Trung Quốc tại Quảng Ninh đến 1.000 tỷ đồng/năm, tạo ra việc làm ổn định cho 3.500 người, góp phần nâng công suất sử dụng cơ sở lưu trú bình dân và tàu tham quan du lịch tại đây.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng chỉ ra những hệ quả phát sinh từ hình thức kinh doanh này. Đó là số lượng khách Trung Quốc tăng quá nhanh, tập trung tại một số điểm đến và khu vực dẫn đến tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Các công ty Trung Quốc thao túng các dịch vụ du lịch tại điểm đến, nhất là hoạt động mua sắm khiến nhà nước thất thu thuế. Tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc đối với các công ty lữ hành, khách sạn, cơ sở dịch vụ có thể dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Có hiện tượng để người Trung Quốc điều hành, “núp bóng”, trực tiếp hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam bị ép hạ giá tour, “bán khách” cho hướng dẫn viên, tự tổ chức và thu lợi nhuận. Một số đoàn khách du lịch Trung Quốc bị cắt giảm chương trình tour, cắt giảm dịch vụ, bị ép mua hàng tại các điểm mua sắm với giá cao, chất lượng kém.
Các nước xử lý thế nào với tour 0 đồng
Tour giá rẻ hay tour 0 đồng xuất hiện tại Thái Lan từ năm 1995, sau đó xuất hiện tại Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và Singapore, đến giờ vẫn tồn tại. Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu năm 2004 chính là đoàn khách tour 0 đồng, khi đó hướng dẫn viên phải trả công ty du lịch trung bình 180 euro/khách.
Theo một chuyên gia du lịch, khách Trung Quốc không phải là những vị khách đầu tiên được chào bán tour giá rẻ (0 đồng). Hình thức này đã xuất hiện từ rất lâu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi người dân có điều kiện đi du lịch hàng chục năm trước.
Ngày nay, khách Trung Quốc đến Nhật Bản và Hàn Quốc đi theo tour giá rẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì vậy, tour giá rẻ hay tour 0 đồng, thậm chí âm đồng chính là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường. Các quốc gia đều đã cố gắng kiểm soát, chấn chỉnh thị trường nhưng chưa quốc gia nào tìm được giải pháp triệt để, cuối cùng phổ biến nhất vẫn là xoay quanh bảo vệ lợi ích của khách, lấy khách du lịch làm trung tâm, xem xét mức độ khiếu kiện của khách để quyết định việc trừng phạt cũng như quản lý liên quan đến sản phẩm du lịch.
Năm 2013, Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc ban hành Luật Du lịch, tập trung chỉnh đốn tour giá rẻ và tour 0 đồng, âm đồng, nhưng vẫn chưa tìm ra được giải pháp tốt nhất, sau nhiều lần vẫn phải để cho cung cầu của thị trường quyết định. Điều 46 của Nghị định quản lý lữ hành, hợp đồng tour phải chi tiết số lượng điểm mua sắm trong chương trình tour và thông báo cho khách nắm được. Bất kỳ công ty nào có hành vi lừa dối, ép buộc khách mua sắm sẽ bị phạt rất nặng, từ 100.000 đến 500.000 tệ (14.000 - 73.000 USD), tước thẻ với hướng dẫn viên, trưởng đoàn, tước giấy phép với doanh nghiệp.
Năm 2016, Thái Lan đã áp dụng chỉnh đốn tour 0 đồng và tour âm đồng, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn, chi phí tour đã tăng lên đến 9.000 tệ (1.300 USD) mỗi khách cho một tour khoảng 5-6 ngày, dẫn đến lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan sụt giảm nghiêm trọng, thị trường vô cùng ảm đạm.
Sau đó, Thái Lan đã phải dần điều chỉnh, nới lỏng thị trường. Tháng 12/2016, đích thân Phó thủ tướng Thái Lan, tháp tùng là Bộ trưởng Bộ Du lịch và các quan chức liên quan đã đến Quảng Châu tổ chức xúc tiến du lịch, đáp ứng và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của các công ty tổ chức đoàn ngay tại chỗ.
Đài Loan và Hong Kong cũng từng siết chặt tour giá rẻ, tour 0 đồng, thường xuyên đưa tin về việc hướng dẫn viên ép buộc du khách mua sắm, chính quyền địa phương cũng áp dụng rất nhiều biện pháp, quản lý nghiêm hoạt động kinh doanh của các công ty lữ hành, nhưng số lượng tour này vẫn còn phổ biến. Đài Loan đã áp dụng biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bằng video để khách cảnh giác với hàng nhái và những cái “bẫy mua sắm”, bước đầu phát huy hiệu quả tốt.
Chính phủ Hàn Quốc tước giấy phép của 68 doanh nghiệp phục vụ tour 0 đồng cho khách Trung Quốc, quyết tuyên chiến với hiện trạng này, nhưng thực tế cho thấy loại tour này vẫn không hề giảm nhiệt.
Các nước Âu Mỹ đều chấp nhận sự tồn tại của tour giá rẻ trên thị trường, nhưng phải cho khách du lịch biết rõ dịch vụ bao gồm và không bao gồm, vì thế tỷ lệ khiếu kiện của khách rất ít, khách du lịch hiểu và đồng thuận.
Theo ông Tuấn, với Việt Nam, vấn đề đặt ra là việc quản lý tour giá rẻ đồng thời phải quản lý được chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ quyền lợi của khách du lịch, hình ảnh điểm đến cũng như các nguồn thu thuế cho nhà nước. Do đó, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về thuế và thị trường, siết chặt quản lý về ngoại hối, thanh toán ngoại tệ tại các điểm mua sắm; kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Kiên quyết không để tình trạng khép kín trong các trung tâm bán hàng cho khách du lịch nước ngoài.
Lê Vàng - Vy An