Dự trữ ngoại hối của Thái Lan đã giảm về 221,4 tỷ USD ngày 17/6, theo số liệu công bố tuần trước. Đây là mức thấp nhất 2 năm. Số liệu hàng tháng cũng cho thấy dự trữ của Indonesia hiện thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Dự trữ tại Hàn Quốc và Ấn Độ hiện ở đáy hơn một năm. Dự trữ của Malaysia thậm chí giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.
"Một số quốc gia đã dùng dự trữ để bình ổn tiền tệ do biến động quá lớn", Rajeev De Mello - Giám đốc danh mục đầu tư toàn cầu tại GAMA Asset Management ở Geneva cho biết, "Họ biết rằng không thể đảo ngược đà giảm của nội tệ với USD, nhưng có thể giảm tốc quá trình này".
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997, các ngân hàng trung ương đã tích trữ đôla Mỹ để bảo vệ nội tệ trong thời kỳ biến động lớn. Nhưng năm nay, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến đồng đôla tăng giá, các ngân hàng trung ương đã phải đảo ngược quá trình mua USD.
Thái Lan và Indonesia cam kết giảm biến động với nội tệ. Ngân hàng Trung ương Philippines thì sẽ để thị trường quyết định tỷ giá peso - USD và chỉ can thiệp để kiềm chế biến động.
Đà giảm của các tiền tệ châu Á có thể còn kéo dài, chủ yếu do tâm lý chuộng tài sản an toàn sau động thái thắt chặt tiền tệ của Fed, Goldman Sachs dự báo. Fed đã ra tín hiệu nâng lãi thêm lần nữa trong tháng 7. Nhà đầu tư hiện đặt cược mức tăng này là 0,75%.
Giá các tiền tệ châu Á hiện cũng ở mức thấp nhất nhiều năm. Peso Philippines hôm qua xuống thấp nhất kể từ năm 2005. Rupee Ấn Độ tuần trước cũng lập đáy mới so với USD.
"Các ngân hàng trung ương tại châu Á có xu hướng nương theo chiều gió", chỉ can thiệp ngoại hối để làm giảm biên độ điều chỉnh, Frederic Neumann - nhà nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC nhận xét, "Muốn đảo ngược xu hướng, họ sẽ cần nhiều hơn nữa. Đồng đôla chỉ yếu đi nếu nhà đầu tư biết rõ khi nào Fed sẽ chấm dứt quá trình thắt chặt".
Hà Thu (theo Bloomberg)