Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói với các phóng viên rằng lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức bị các nước Baltic cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tháng này và đóng vai trò "trong bạo lực đối với người biểu tình phản đối kết quả bầu cử".
Ông Nauseda cho biết danh sách này là bước khởi đầu và có thể được mở rộng về sau.
"Chúng tôi nói cần đối thoại hòa bình và thỏa thuận giữa chính phủ và các tầng lớp xã hội, nhưng chúng tôi thấy chính phủ Belarus chưa sẵn sàng cho điều đó", Nauseda nói. "Chúng tôi thấy cần phải tiến thêm một bước và làm gương cho các nước khác".
Tổng thống Belarus bác bỏ cáo buộc gian lận bầu cử. Bộ Ngoại giao Belarus gọi động thái của ba nước Baltic là bước đi vội vàng và cho biết họ sẽ đáp trả tương xứng.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda tại hội nghị trực tuyến về Covid-19 với Liên minh châu Âu tại Vilnius, Litva hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thảo luận về danh sách cá nhân ở Belarus để nhắm mục tiêu với các lệnh trừng phạt tương tự.
Ba quốc gia Baltic, hai trong số đó có biên giới với Belarus, kêu gọi châu Âu hành động mạnh mẽ để hỗ trợ phe đối lập ở Belarus. Litva đã tiếp nhận ứng viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, người rời khỏi Belarus sau cuộc bầu cử ngày 9/8.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở Belarus sau khi ông Lukashenko, 65 tuổi, tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ sáu với hơn 80% phiếu bầu. Phe đối lập ở Belarus và EU không công nhận kết quả bầu cử, cho rằng cuộc bỏ phiếu bị gian lận.
Những người phản đối Lukashenko tái đắc cử đã tổ chức đình công và biểu tình trong thời gian qua, yêu cầu ông từ chức. Hàng chục nghìn người biểu tình hôm 30/8 tập trung tại trung tâm thủ đô Minsk, tìm cách tiếp tục gây áp lực buộc ông Lukashenko phải từ chức. Bộ Nội vụ Belarus cho biết ít nhất 140 người đã bị bắt vì các hành vi bạo lực.
Tổng thống Lukashenko bác bỏ ý tưởng tổ chức bầu cử lại cũng như những lời kêu gọi từ chức, đồng thời cáo buộc phe đối lập âm mưu giành chính quyền. Ông tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các tầng lớp lao động, sinh viên và các thành viên "hiểu lý lẽ" của phe đối lập, nhưng nói rằng điều đó sẽ không xảy ra dưới áp lực của các cuộc biểu tình.
Nga, đồng minh thân thiết của Belarus, liên tục cảnh báo phương Tây rằng hành động can thiệp vào công việc nội bộ hoặc gây áp lực với các lãnh đạo Belarus là "không thể chấp nhận được". Putin và ông Lukashenko dự kiến gặp mặt trong vài tuần tới ở Moskva.
Trong cuộc điện đàm ngày 16/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Lukashenko rằng Nga sẵn sàng hỗ trợ quân sự theo hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus "giải quyết các vấn đề" nảy sinh từ cuộc bầu cử tổng thống. Nga cho rằng "sức ép từ bên ngoài" đang gây ra tình trạng bất ổn với các cuộc biểu tình chống Lukashenko.
Huyền Lê (Theo Reuters, RT)