Báo cáo cập nhật tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Bộ Y tế nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng dịch thứ hai nếu xảy ra các ca lây nhiễm tại cộng đồng do bỏ sót các trường hợp nhập cảnh mắc bệnh, hoặc các bệnh nhân nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng trong cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn. Do vậy, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 thống nhất tinh thần "đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn" thông qua triển khai nhiều nhóm biện pháp.
Trước hết, ngăn chặn dịch xâm nhập thông qua kiểm soát nhập cảnh đường hàng không và kiểm soát đường biên giới trên bộ, đường mòn, lối mở.
Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an, Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để tổ chức hiệu quả các chuyến bay đón công dân (kể cả doanh nhân người Việt Nam) đang mắc kẹt tại nước ngoài; đồng thời phối hợp với Bộ, ngành liên quan về lộ trình nối lại đường bay với một số nước và quy trình cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh ngắn hạn; đề xuất với Thủ tướng về các nội dung nêu trên nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập và từng bước tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế.
Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát đường biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở chặt chẽ; phân công, bố trí các tổ, chốt cố định, lưu động phù hợp với đường biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện sớm và xử lý các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép.

Nhân viên Y tế diễn tâp thu thập mẫu nước bọt của bệnh nhân tại Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Về các biện pháp phòng, chống dịch trong tình trạng "bình thường mới", Bộ Y tế đã xây dựng phương án xét nghiệm cho giai đoạn có ca bệnh xâm nhập từ nước ngoài về, ca bệnh thứ phát trong cộng đồng và các ổ dịch khu trú và chuẩn bị phương án xét nghiệm cho trường hợp bệnh lây lan rộng trong cộng đồng; thực hiện chiến lược xét nghiệm ưu tiên cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao theo từng phương án phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Việt Nam sẽ xây dựng các tiêu chí đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng các hướng dẫn về điều kiện đảm bảo cho mở cửa hàng không, du lịch quốc tế.
Triển khai giám sát trọng điểm quốc gia Covid-19 ở tất cả các khu vực trên toàn quốc; kiện toàn, duy trì sẵn sàng các đội đáp ứng nhanh để điều tra, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch.
Ngành y tế thực hiện sàng lọc bệnh nhân, phân luồng, phân tuyến, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện đảm bảo không để lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh; khai thác kỹ tiền sử các trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính để xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc.
Cơ quan chức năng nghiên cứu phương án tích hợp giải pháp quản lý tiếp xúc của các hãng công nghệ lớn, các quốc gia khác trên thế giới để quản lý hiệu quả hơn trong trường hợp mở cửa đường bay quốc tế.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về hướng dẫn nâng cao năng lực truy vết cho các địa phương.
Nhóm giải pháp thứ ba là tổ chức cách ly hiệu quả; xây dựng phương án cách ly đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian ngắn để thực hiện các hoạt động như xúc tiến đầu tư, ký kết các thỏa thuận, hợp đồng kinh tế; xem xét có quy định về thu phí đối với cách ly, phí điều trị...
Nhóm giải pháp thứ tư là nâng cao năng lực điều trị, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm các phác đồ điều trị, đặc biệt đối với các ca nặng như bệnh nhân số 19 (đã xuất viện về gia đình) và bệnh nhân số 91.
Cùng với đó, Việt Nam tăng cường nghiên cứu khoa học, thực hiện các nghiên cứu khoa học về dịch tễ học phân tử, sản xuất vaccine, thuốc điều trị, xét nghiệm chẩn đoán xác định, sản xuất máy thở, các trang thiết bị y tế cần thiết.
Tổ chức các chương trình truyền thông đến những người trong diện nguy cơ cao, song song với tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ xâm nhập vào nước ta để người dân không chủ quan, lơ là...
Đến nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới không ghi nhận tử vong do Covid-19 (một trong 30 quốc gia, vùng lãnh thổ); kể từ ngày 16/4 không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.