Giám đốc điều hành của hai công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ là Intel và Xilinx đã tham dự một cuộc họp cuối tháng 5 với Bộ Thương mại Mỹ để thảo luận về các phản ứng khi Huawei bị đưa vào danh sách đen, nguồn tin của Reuters cho biết. Qualcomm cũng thúc đẩy Bộ Thương mại Mỹ về vấn đề này.
Theo các nhà sản xuất chip, những sản phẩm mà Huawei đang bán như smartphone và máy chủ sử dụng những thành phần thông thường có sẵn, không thể gây ra những lo ngại về vấn đề bảo mật như công nghệ mạng 5G của Huawei. "Điều này không nhằm giúp Huawei mà để ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với các công ty Mỹ", một lãnh đạo trong số các công ty sản xuất chip tại Mỹ cho biết.
Trong số 70 tỷ USD mà Huawei đã chi để mua các linh kiện từ 2018, khoảng 11 tỷ USD chảy vào tài khoản của các công ty Mỹ bao gồm Qualcomm, Intel và Micron. Qualcomm muốn tiếp tục kinh doanh chip mà Huawei dùng để sản xuất điện thoại, đồng hồ thông minh.
Hiệp hội Công nghệ Bán dẫn (SIA) thừa nhận đã sắp xếp các cuộc tham vấn với chính phủ Mỹ, thay mặt các công ty trình bày những tác động của lệnh cấm Huawei tới tình hình kinh doanh. "Những công nghệ không liên quan tới an ninh quốc gia không nên bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm", phó chủ tịch phụ trách chính sách toàn cầu của SIA nói và cho biết đã truyền đạt quan điểm này với chính phủ Mỹ.
Google, công ty bán phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật cho Huawei, ủng hộ việc tiếp tục kinh doanh với công ty Trung Quốc, chủ tịch Huawei Liang Hua chia sẻ với truyền thông. Trong khi đó Google tuyên bố sẽ làm việc với Bộ Thương mại Mỹ để đảm bảo tuân thủ các quy định mới.
Một đại diện của Bộ Thương mại Mỹ cho biết cơ quan này thường xuyên nhận được các câu hỏi từ nhiều công ty liên quan đến phạm vi của lệnh cấm, đồng thời nói rằng các cuộc thảo luận bên lề không ảnh hưởng tới việc thực thi lệnh cấm.
Intel, Xilinx và Qualcomm từ chối bình luận. Huawei không đưa ra câu trả lời cho Reuters.
Trong một cuộc phỏng vấn ở Mexico, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề công chúng của Huawei, cho biết công ty không yêu cầu bất kỳ ai vận động hành lang thay mặt mình. "Họ làm điều đó vì chính họ bởi với nhiều công ty, Huawei là một trong những khách hàng lớn", ông nói thêm rằng các nhà sản xuất chip biết việc chấm dứt kinh doanh với Huawei có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho họ.
Các quan sát viên Trung Quốc nói rằng các nhà sản xuất của Mỹ về cơ bản đang muốn lợi ích kép: không muốn bị coi là hỗ trợ Huawei - công ty bị cáo buộc gián điệp và đánh cắp bí mật thương mại, công nghệ, nhưng cũng sợ mất một khách hàng lớn.
Bản thân Huawei trong vai trò một nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới đã thực hiện rất ít các cuộc vận động hành lang xung quanh lệnh cấm của Mỹ, tuy nhiên công ty đã xem xét tới việc gửi thư đến Bộ Thương mại Mỹ. "Đơn giản là chúng tôi không có bất kỳ kênh liên lạc nào", ông Liang nói.
Một tháng sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei đã không có bất cứ tuyên bố nào với chính phủ Mỹ về vấn đề này, nguồn tin cho biết. Huawei đã giảm các nỗ lực vận động hành lang ngay trước khi bị cấm. Năm ngoái, công ty sa thải năm nhân viên văn phòng ở Washington, bao gồm cả phó chủ tịch phụ trách đối ngoại và giảm chi phí vận động hành lang.
Tuy nhiên, Huawei đã cứng rắn trong cuộc chiến pháp lý và mở một chiến dịch quan hệ công chúng để tự bảo vệ mình trước các cáo buộc của chính phủ Mỹ. Công ty chạy một loạt quảng cáo khổ lớn trên các tờ báo lớn của Mỹ vào tháng hai sau một loạt các cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi nhằm xóa đi phần nào hình ảnh không tích cực ở phương Tây.
Broadcom, một nhà sản xuất chip không vận động Bộ Thương mại Mỹ, đã đưa ra thông báo sốc tới ngành sản xuất chip toàn cầu khi dự đoán căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và lệnh cấm với Huawei có thể khiến ngành mất 2 tỷ USD trong năm nay.
Bảo Anh (theo Reuters)