Trước nhu cầu mua khẩu trang gia tăng đột biến do dịch nCoV, Công ty Tanaphar – đơn vị chuyên sản xuất khẩu trang tiệt trùng sử dụng cho các cơ sở y tế cho biết đang hoạt động với công suất 24h mỗi ngày. Tính tổng cả 2 mặt hàng, công suất một ngày vào khoảng 50.000 đến 60.000 sản phẩm.
Đại diện Công ty Dược phẩm Đại Uy cũng cho biết đang cho 2 dàn máy tự động chạy suốt 24h. Trước đây, mỗi ngày nhà máy sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang, song hiện tăng ca hết công suất lên 100.000 chiếc.
Công ty Dệt kim Đông Xuân trước đó không sản xuất khẩu trang, song gần đây khi xảy ra dịch nCoV, đã tham gia để phục vụ và trang bị cho nhân viên. Doanh nghiệp cũng gia tăng sản xuất để dự kiến bán ra thị trường từ ngày 3/2.
Không chỉ các đơn vị sản xuất trong nước, nhiều nhà nhập khẩu cũng tăng gấp nhiều lần số lượng đơn hàng. Đại diện một đơn vị phân phối khẩu trang của 3M (Mỹ) cho biết cách đây vài ngày đã đề nghị đối tác nước ngoài cung cấp tăng gấp 4-5 lần số lượng so với thông thường. Tuy nhiên, nhà sản xuất cho biết sẽ ưu tiên các đơn hàng từ Trung Quốc – nơi đang là điểm nóng của dịch nCoV nên sẽ khó đáp ứng được 100% đơn hàng của đối tác tại Việt Nam.
"Trong kho hàng của chúng tôi hiện cũng chỉ còn đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng thường xuyên, không nhận khách mới", chị này nói.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho biết, trong 10 ngày tới sẽ cung ứng ra thị trường nửa triệu chiếc khẩu trang do các doanh nghiệp thành viên sản xuất. "Toàn bộ số khẩu trang này chúng tôi sản xuất và sẽ phát miễn phí tới tay người dân", ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex nói.
Với công suất tối đa, các đơn vị sản xuất trong nước đều lo ngại về nguồn cung nguyên liệu sẽ ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn. Theo đại diện Công ty Tanaphar, nguyên liệu sản xuất chính để sản xuất khẩu trang gồm vải không dệt, vải lọc kháng khuẩn và than hoạt tính. Vải không dệt trong nước đã sản xuất được, còn hai nguyên liệu còn lại đều phải nhập khẩu.
Nguồn nhập khẩu vải lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc không thể nhập do quốc gia này cấm xuất khẩu cả sản phẩm, nguyên liệu và máy móc sản xuất khẩu trang. Do đó, nhiều doanh nghiệp đang liên hệ nhập khẩu nguyên liệu từ Ấn Độ, nhưng cũng đang gặp khó khăn trong giao dịch và giá cũng tăng rất mạnh lên mức 10-12 USD mỗi kg.
Đại diện Công ty Đại Uy cũng cho biết, không nhập khẩu màng lọc kháng khuẩn từ nước ngoài qua một công ty trung gian khác. Tuy nhiên, đơn vị đối tác cũng nhập nguyên liệu này từ Trung Quốc, Đài Loan. Trước đợt dịch, Đại Uy nhập nguyên liệu này đã tăng lên 120.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, hiện trong kho chỉ còn khoảng 2 tạ màng lọc kháng khuẩn và đang làm việc với đối tác cung cấp tiếp 5 tạ. Công ty này lo ngại thời gian tới giá mua nguyên liệu sẽ cao hơn.
Theo đánh giá của một công ty tại Thanh Oai (Hà Nội), hiện nguyên liệu để sản xuất trong cả nước đang rất căng thẳng và chỉ có thể đáp ứng sản xuất trong khoảng 7-10 ngày tới nếu không có nguyên liệu mới nhập về. Trong khi đó, nhu cầu hiện nay trong cả nước đối với loại khẩu trang 3 lớp cho cộng đồng dân cư vào khoảng 100 tấn mỗi tháng tương đương khoảng 150 triệu chiếc.
Riêng Công ty Dệt kim Đông Xuân cho biết có thể tự chủ nguyên liệu và sản xuất. Hiện nay mỗi ngày công ty làm được 50.000 chiếc khẩu trang. Tuy nhiên, đại diện đơn vị này cho biết trước nhu cầu cấp thiết của thị trường, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc mỗi ngày, đồng thời huy động các đơn vị vệ tinh tham gia.
Về nguồn nguyên liệu với mặt hàng này, Bộ Công Thương cho biết hiện có 2 loại chính phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Thứ nhất là vải không dệt, hiện trong nước đã sản xuất được, thời gian tới có thể gia tăng nhưng không nhiều.
Thứ hai là màng lọc kháng khuẩn, hiện các đơn vị nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 70%. Khoảng 30% còn lại có thể mua từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Đài Loan, Ai Cập, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu như Pháp, Italy....
Nhưng hiện Trung Quốc cấm xuất khẩu cả sản phẩm và nguyên liệu. Hàn Quốc và Nhật Bản khan hiếm, không có hàng để bán và xuất khẩu. Ấn Độ cấm xuất khẩu sản phẩm, không cấm xuất khẩu nguyên liệu. Châu Âu thì giá rất cao. Trong khi đó, với các nước còn lại, doanh nghiệp Việt khó tiếp cận nguồn nguyên liệu hoặc nếu tiếp cận được thì giá rất cao. Bộ Công Thương nhận định trường hợp dịch lan rộng tại các nước này, dự báo sẽ khó khăn hơn trong việc nhập khẩu.
Máy móc thiết bị sản xuất mặt hàng này, theo Bộ Công Thương, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi chưa có dịch, để nhập được máy móc thiết bị phải đặt trước khoảng 6 tháng mới có hàng. Trong điều kiện hiện nay, Trung Quốc cấm xuất khẩu máy móc và thời gian đặt hàng lên đến 6 tháng thì các doanh nghiệp hầu như không thể mở rộng sản xuất.
Theo Bộ Y tế, hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trong đó có khoảng 11 đơn vị sản xuất quy mô lớn với năng lực sản xuất 1,245 triệu chiếc mỗi ngày.
Đối với khẩu trang vải, số lượng doanh nghiệp trong ngành dệt may lên đến 7.000. Việc tham gia sản xuất khẩu trang vải không đòi hỏi nhiều về thay đổi quy trình, máy móc, có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, đây chỉ là các khẩu trang thông thường, chưa được công nhận là khẩu trang y tế, do vậy khả năng thị trường chấp nhận đến đâu còn chưa xác định được.
Lo ngại về nguyên liệu, song hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đơn vị nhập khẩu đều cho biết trước mắt chưa tăng giá bán buôn. Tại Công ty Tanaphar, giá bán buôn khoảng 30.000 đồng mỗi hộp 50 chiếc, không tăng giá. Tuy nhiên với nguồn nguyên liệu hiện có, công ty chỉ có thể sản xuất thêm trong vòng một tuần.
Cũng với giá bán tương đương và khẳng định không tăng giá, song Công ty Đại Uy cho biết không bán sản phẩm ra ngoài, chỉ cung cấp cho khách hàng của công ty.
Phía Bộ Công Thương cũng cho biết các doanh nghiệp đều khẳng định sẵn sàng sản xuất và cung cấp với giá tương đương chi phí sản xuất, không lấy lãi, không tăng giá để phục vụ tốt nhất yêu cầu phòng chống dịch nCoV.
Hoài Thu - Nguyễn Hà