Thông tin được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nêu vào chiều tối 31/5.
Các nhà máy chế biến điều ở Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu. Mỗi năm, họ nhập hơn 3 triệu tấn điều thô, trong đó khoảng 2,2 triệu tấn từ châu Phi, chủ yếu là Tây Phi. Nguồn cung trong nước chỉ đảm bảo 10%.
Tuy nhiên, giá điều thô Tây Phi đang tăng lên hàng ngày. Vào tháng 2, giá chỉ khoảng 1.000-1.050 USD mỗi tấn, nhưng giờ đã lên đến 1.500-1.550 USD. Nguyên nhân bởi khu vực này đang mất mùa và một số nước áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu điều thô để hỗ trợ các nhà máy nội địa.
Do đó, một số đối tác Tây Phi đòi hỗ trợ tăng giá, trì hoãn giao hàng hoặc không gửi bộ chứng từ để nhà sản xuất Việt Nam nhận hàng. Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty Hoàng Sơn I, cho biết ký hợp đồng mua 52.000 tấn điều thô Tây Phi nhưng chỉ nhận được 25.000 tấn đúng giá, bị xù khoảng 12.000 tấn, còn lại phải tăng giá để lấy hàng.
Vinacas cho hay các lô điều đang đi trên biển còn tiếp tục được chào hàng với giá cao hơn nhưng một số nhà chế biến vẫn phải mua để có đủ nguyên liệu thực hiện đúng hợp đồng sản xuất với khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể cân đối được với giá điều nhân nên rất bối rối.
Cùng với đó, nhiều lô hàng điều thô về muộn hoặc số lượng ít hơn hợp đồng nên các nhà chế biến tại Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Trong tình hình như hiện nay, các nhà chế biến đã ký hợp đồng giá thấp trước đây sẽ khó thực hiện hợp đồng nếu chưa có điều thô.
Vinacas đã gửi văn bản đề nghị Hiệp hội các nhà xuất khẩu điều Bờ Biển Ngà nhắc nhở hội viên thực hiện đúng hợp đồng đã ký. Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực Vinacas cho biết sẽ có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô.
Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển vùng nguyên liệu, chất lượng giống. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Dỹ Tùng