Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 cho thấy hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều co lại. PMI của Trung Quốc tháng trước là 49,5 điểm, giảm so với 50,6 hồi tháng 9. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất đi xuống.
Số liệu này đã phủ bóng lên kỳ vọng hồi phục tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. "Nhìn chung, các hãng sản xuất không có tâm lý tích cực trong tháng 10. Kinh tế Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu chạm đáy, nhưng nền tảng hồi phục vẫn chưa vững vàng. Nhu cầu vẫn yếu, các yếu tố bất ổn trong và ngoài nước vẫn còn. Dự báo triển vọng cũng tương đối ảm đạm", Wang Zhe - nhà kinh tế học tại Caixin Insight Group nhận xét về kết quả PMI.
Tác động của việc kinh tế Trung Quốc chậm lại thể hiện rõ nhất tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai nước sản xuất lớn này phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Hoạt động sản xuất tại Nhật Bản đã giảm 5 tháng liên tiếp. Sản lượng nhà máy tháng 9 của nước này cũng tăng thấp hơn dự báo do nhu cầu chậm lại. Các hãng máy móc Fanuc và Murata Manufacturing mới đây công bố lợi nhuận 6 tháng yếu đi do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc lao dốc.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất tại Hàn Quốc đã giảm 16 tháng liên tục. PMI của Đài Loan, Việt Nam và Malaysia đều giảm trong tháng 10.
Tại Ấn Độ, sản xuất chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp. Nhu cầu yếu và chi phí nguyên liệu thô tăng cao đã gây sức ép lên niềm tin doanh nghiệp tại đây.
"Nhìn chung, PMI tháng 10 của các nước mới nổi ở châu Á giảm mạnh. Triển vọng sản xuất tại khu vực này vẫn ảm đạm trong ngắn hạn, khi tồn kho tăng cao và nhu cầu bên ngoài yếu", Shivaan Tandon - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận định.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước cảnh báo Trung Quốc phục hồi yếu và khủng hoảng bất động sản tại đây có thể kìm hãm hơn nữa triển vọng kinh tế của châu Á. Trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng trước, IMF hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống 4,2%, giảm so với hai báo cáo trước.
Hà Thu (theo Reuters)