![]() |
Vàng, mơ ước chưa bao giờ thành sự thật của các nhà giả kim thuật. |
Trong lịch sử, nhiều nhà khoa học lỗi lạc từng khẳng định rằng đã thực hiện hoặc chứng kiến việc biến kim loại thành vàng. Chẳng hạn, nhà hoá học Jan Baptist Van Helmont viết: “Thật ra, tôi đã tận mắt chiêm ngưỡng loại đá tạo vàng và đã cầm nó trong tay nhiều lần. Nó nặng nề, có màu vàng nghệ và chiếu lấp lánh như bột thuỷ tinh. Người ta cho tôi 16 mg thứ chất đó, tôi hoà vào 230 g thuỷ ngân rồi nung lên. Thuỷ ngân sôi sùng sục rồi đặc lại ngay, có màu hơi vàng. Sau khi được lấy ra khỏi đĩa và làm nguội, khối đó chính là vàng nguyên chất”.
Van Helmont rất thích thú với kết quả đó nên đã đặt tên cho đứa con trai là Mercure (thuỷ ngân). Cùng thời đó, nhà vật lý và hoá học Đức nổi tiếng Johann Rudolf Glauber (1604-1668) nghĩ rằng đã khám phá ra một trong các yếu tố của loại đá tạo vàng trong một vùng suối khoáng. Chất mà ông phân lập được (muối glauber) thật ra chỉ là sulfat natri, có đặc tính nhuận tràng nhưng hoàn toàn không thể biến kim loại thành vàng. Quả thật, nhiều nhà bác học cũng tin rằng việc biến kim loại thành vàng là có thể thực hiện được. Trong đó có Isaac Newton, Descartes và Leibniz.
Niềm tin này có từ thời cổ xưa và được người Ai Cập lưu truyền đến châu Âu trung cổ. Khi người Arập xâm chiếm Ai Cập vào thế kỷ 7, họ khám phá ra rằng người Ai Cập là bậc thầy về nghệ thuật kim hoàn mà họ gọi là “alkimiya”. Đó là một trong các giả thuyết về nguồn gốc của từ “giả kim thuật”.
Lửa, không khí, nước và đất
Khi khai thác Thư viện Alexandrie, người Arập tìm thấy những văn bản của các triết gia Hy Lạp, đặc biệt là Aristote. Những văn bản đó được dịch ra và truyền bá khắp thế giới Arập. Lý thuyết của Aristote dựa trên sự thống nhất nguyên tắc về “vật chất”, mà vật chất chẳng có tính chất đặc thù nào cả, nhưng có thể mang nhiều “dạng thức” khác nhau. “Dạng thức” không chỉ có nghĩa là hình dạng, mà gồm mọi tính chất vật lý hoặc hoá học của một vật thể. Một vật chất tóm gọm trong 4 tính chất chủ yếu: ướt, khô, nóng, lạnh. Bốn tính chất được thể hiện bởi 4 nhân tố: lửa (nóng, khô), không khí (nóng và ướt), nước (lạnh và ướt), đất (lạnh và khô).
Từ quan niệm về thế giới đó, theo logic, người ta sẽ đi đến ý tưởng là mỗi chất đặc thù đều là kết quả của sự phối hợp 4 nhân tố cơ bản theo tỷ lệ khác nhau. Chẳng hạn, một thanh củi tươi được cho vào lửa. Dưới sức nóng, thoạt đầu người ta sẽ thấy những giọt nước rịn ra rồi nhanh chóng biến thành hơi nước. Kế đến, củi cháy để tạo ra lửa. Cuối cùng chỉ còn lại tro, tức là “đất”. Từ đó, người ta dễ tưởng tượng đến việc biến chất này thành chất khác, chỉ cần thêm bớt tỷ lệ các thành phần.
Người Arập rất cảm phục tài năng của những người thợ kim hoàn Ai Cập, nhất là trong xử lý và nhuộm kim loại để chúng giống như vàng. Họ suy luận rằng chìa khoá tri thức của những thợ kim hoàn là nhờ áp dụng các lý thuyết của Aristote. Suốt nhiều thế kỷ, người Arập cố thử nghiệm theo chiều hướng này, họ khám phá ra nhiều đặc tính và định luật sẽ là điều kiện cơ bản cho ngành hoá học hiện đại (nhưng chưa bao giờ thành công trong việc biến đổi kim loại thành vàng!).
Theo Aristote, khói phát ra khi cháy liên quan với đất về bản chất, trái ngược với hơi nước do nước sôi. Khoáng chất hay đá mà cấu trúc không bị lửa biến đổi cũng thuộc về nguyên tắc đó, trong khi kim loại có thể nóng chảy sẽ được gán với hơi nước. Nhà bác học Arập, Jabir Ibn Hayyan, gợi ý, hơi từ một chất lỏng đang sôi là một trạng thái trung gian giữa không khí và nước. Hơi có thể biến thành một nguyên tố mới mà ông gọi là “thuỷ ngân” (không phải là kim loại chúng ta biết ngày nay), một chất lý tưởng kết hợp các phẩm chất bóng bẩy và uyển chuyển. Cũng thế, khói là một tình trạng chuyển tiếp giữa đất và không khí, có thể biến thành “lưu huỳnh” mang ưu thế của đất và nhiên liệu. Theo lý thuyết này, các chất khoáng và kim loại khác nhau đều là kết quả của những dạng kết hợp khác nhau giữa lưu huỳnh và thuỷ ngân.
Jabir chưng cất các chất hữu cơ, lúc nào ông cũng nhận được một chất lỏng mà ông cho là nước (vì nó lạnh và ướt), kế đến là một chất dầu có liên quan đến không khí (vì nóng và ướt), sau nữa là một chất có màu và cháy được (được gán với lửa) và cuối cùng là một chất màu đen, thuộc về đất. Ông nghĩ rằng, đã phân lập được 4 nhân tố của Aristote. Thế là Jabir quyết định “tinh lọc” từng nguyên tố đó để có được các “phẩm chất” đặc thù. Khi chưng cất nước liên tiếp 700 lần, ông thu được một chất trắng và sáng, có tinh thể như muối. Jabir nghĩ rằng đã tìm ra được “tính lạnh nội tại”. Với nhân tố “nóng”, ông đạt được một chất màu đỏ, trong suốt và bóng. Đó chính là chất mà các nhà giả kim thuật gọi là đá tạo vàng.
(Theo TGM)