Theo thống kê của ngân hàng đầu tư TD Cowen công bố đầu tháng 1, Apple và các đối tác bị ảnh hưởng mạnh bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Do đó, họ đã tiến hành kế hoạch giảm phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, bên cạnh chi phí vận chuyển, chiến lược cũng gây gián đoạn sản xuất và tác động tiêu cực tới việc kinh doanh.
"Apple phải hy sinh khoản lợi nhuận đáng kể nhằm lắp đặt hệ thống sản xuất ở quốc gia khác. Trong bốn năm kể từ đại dịch Covid-19, ước tính doanh thu của Apple giảm hơn 30 tỷ USD", báo cáo của TD Cowen nêu.
Trong khi đó, các nhà cung ứng đã chi tổng cộng 16 tỷ USD và có thể tốn thêm hàng tỷ USD những năm tới để chuyển dịch dây chuyền sản xuất. Theo nhóm nghiên cứu, Apple muốn đẩy nhanh tốc độ, nhưng liên tiếp gặp trở ngại. Giai đoạn 2019-2022, hãng đối mặt hạn chế do phong tỏa trong đại dịch. Sau đó, việc thiếu hụt nguồn cung linh kiện và lao động tay nghề cao ở địa phương cũng khiến kế hoạch bị chậm lại.
Hiện Apple và 188 nhà cung cấp cố gắng đưa chuỗi sản xuất đến các nước như Ấn Độ, Mexico. TD Cowen đánh giá phải mất 18 tháng để thành lập một nhà máy mới, thậm chí lâu hơn nếu muốn tổ chức toàn bộ hệ thống. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng khó khăn chỉ là nhất thời và Apple có thể đạt được lợi thế về dài hạn.
"Trong tương lai, sự đa dạng địa lý và nguồn cung lao động giúp công ty tránh được các rủi ro bất ngờ, ví dụ thảm họa môi trường. Ngoài ra, chi phí sản phẩm cũng trở nên ổn định nếu các đối tác tận dụng tốt lực lượng lao động địa phương", báo cáo có đoạn.
Về tiến độ của quá trình dịch chuyển, kết quả nghiên cứu hơn 1.000 hồ sơ tài chính, bao gồm cả đối tác chủ chốt như Foxconn, cho thấy việc sản xuất iPhone vẫn tập trung tại Trung Quốc. Tata Electronics (Ấn Độ), công ty được kỳ vọng trở thành nhà sản xuất iPhone lớn nhất, mới đạt công suất 25 triệu máy mỗi năm. Con số này chỉ đủ đáp ứng gần 11% nhu cầu toàn cầu, trong đó có 10 triệu máy phục vụ thị trường trong nước và 15 triệu máy được vận chuyển tới Mỹ.
Ngược lại, máy Mac và iPad có bước tiến khả quan khi đưa nhà máy về khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của TD Cowen cho thấy Việt Nam đã phát triển thành trung tâm sản xuất máy tính lớn những năm gần đây, đủ khả năng đáp ứng 40% nhu cầu máy Mac và iPad hàng năm tại Mỹ.
JP Morgan ước tính 25% sản phẩm của Apple có thể được sản xuất bên ngoài Trung Quốc vào năm 2025, tăng 5% so với 2022. Dù vậy, để tạo nên hệ thống có quy mô tương tự quốc gia tỷ dân, Apple và đối tác sẽ tiếp tục phải tiêu tốn thời gian và khoản phí khổng lồ.
Hoàng Giang