Sau thương vụ đình đàm mở đường đưa Cristiano Ronaldo tới Al Nassr hồi đầu năm, Arab Saudi tiếp tục thu hút hàng loạt tên tuổi bằng những hợp đồng với mức lương khổng lồ. Saudi Pro League là giải đấu tiêu tiền nhiều thứ hai kỳ chuyển nhượng mùa hè 2023 với 1,025 tỷ USD, chỉ sau Ngoại hạng Anh - giải chi gần 3 tỷ USD.
Trong đó, Al Hilal mạnh tay nhất với 377 triệu USD, với thương vụ kỷ lục 98 triệu USD cho Neymar. Ngoài ra, CLB này còn tuyển mộ Ruben Neves (từ Wolves), Kalidou Koulibaly (Chelsea), Sergej Milinkovic-Savic (Lazio) và Malcom (Zenit St Petersburg).
Đứng thứ hai là Al Ahli với hơn 200 triệu USD để mang về Roberto Firmino (Liverpool), Riyad Mahrez (Man City), Allan Saint-Maximin (Newcastle), Roger Ibanez (Roma), Edouard Mendy (Chelsea) và Gabri Veiga (Celta Vigo). Al Nassr của Ronaldo đứng thứ ba, với mức chi 176 triệu USD cho Sadio Mane, Marcelo Brozovic, Aymeric Laporte, Seko Fofana, Alex Telles và Otavio. Đương kim vô địch Al Ittihad thất bại trong việc thuyết phục Mohamed Salah và Sergio Ramos, nhưng vẫn mang về Karim Benzema, N'Golo Kante, Jota, Fabinho và Luiz Felipe.
Nhưng chỉ vài tháng sau khi rời bóng đá châu Âu, nhiều ngôi sao đang tìm đường tháo chạy khỏi Arab Saudi - nơi họ từng nghĩ là miền đất hứa. Firmino được đồn đoán tới Fulham, Jordan Henderson chuẩn bị gia nhập Ajax, Jota muốn sang Tottenham, và Benzema trong tầm ngắm của Chelsea.
Theo báo Anh Sunsport, có ba lý do chính khiến các ngôi sao nhanh chóng "vỡ mộng làm giàu" tại quốc gia Vùng vịnh. Đầu tiên là thời tiết khắc nghiệt với nắng nóng gay gắt.
Các CLB Saudi Pro League thường tập luyện vào buổi tối do thời tiết nắng nóng vào ban ngày, với nhiệt độ thường lên tới 40 độ ở một số vùng.
Chính Ronaldo cũng thừa nhận gặp khó trong việc thích nghi với điều kiện thời tiết tại Arab Saudi. "Khác biệt lớn nhất mà tôi nhận thấy ở đây rõ ràng là nhiệt độ cao và việc điều chỉnh lịch trình để tập luyện muộn hơn trong ngày khi trời mát hơn", tiền đạo Bồ Đào Nha chia sẻ với LiveScore.
Nguyên nhân thứ hai là những khán đài trống vắng. Henderson đã quen với việc thi đấu tại sân Anfield với 50.000 chỗ ngồi cùng bầu không khí náo nhiệt bậc nhất châu Âu. Nhưng trong một trận hồi tháng 11/2023, tiền vệ người Anh cùng Al Ettifaq phải ra sân với vọn vẻn 610 CĐV trên khán đài. Nhưng tính đến tháng trước, đây mới là lượng khán giả đến sân ít thứ năm tại Saudi Pro League.
Al Riyadh, CLB đứng thứ 15 trong tổng số 18 đội tại giải, từng tổ chức hai trận với ít hơn 150 khán giả mùa này. Trong khi đó, màn đối đầu giữa Abha và Al Hazm chỉ chứng kiến 1,2% sân vận động được lấp đầy, tức 257 người hâm mộ trong tổng số 20.000 chỗ ngồi.
Hơn một nửa số đội Saudi Pro League có trung bình số lượng CĐV đến sân dưới 10.000 người. Việc tuyển mộ những ngôi sao từ khắp thế giới rõ ràng không tạo ra sức hút đủ lớn để người bản địa đến sân theo dõi trực tiếp các trận đấu.
Nguyên nhân thứ ba là đời sống xã hội khác biệt tại Arab Saudi. Văn hóa ở Trung Đông là thế giới khác xa với những gì mà nhiều cầu thủ từng thi đấu ở châu Âu sẽ phải trải qua trong sự nghiệp.
Bạn gái hay vợ theo chân các cầu thủ tới Arab Saudi về mặt pháp lý không được phép ra ngoài một mình ở nơi công cộng, trừ trường hợp đặc cách của bạn gái Cristiano Ronaldo - Georgina Rodriguez. Phụ nữ tại Arab Saudi hiếm khi lái xe dù lệnh cấm toàn diện đã được dỡ bỏ vào năm 2018. Và tất cả người dân và du khách cũng bị cấm uống rượu.
Vì những khác biệt văn hóa này, theo Sports Mail, Henderson cùng vợ và ba người con phải thuê nhà ở Dammam - thành phố ở quốc gia láng giềng Bahrain cách sân nhà của Al Ettifaq khoảng 55 phút lái xe trên cao tốc. Tại đây, bất chấp tiền vệ người Anh bị cách trở trong việc đi lại, thi đấu, gia đình anh được sống thoải mái hơn vì Bahrain có văn hóa cởi mở hơn. Vợ Rebecca của Henderson có thể thoải mái trong các bộ trang phục ở tay, chân đi ra ngoài, dạo chơi hay mua sắm ở siêu thị - điều họ không thể làm ở Arab Saudi.
Hồng Duy